Đóng cửa nhà máy Fukushima số 1

08/04/2011 09:02 GMT+7

(TNTS) Sau một thời gian dài thất bại trong việc xử lý sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, Chính phủ Nhật Bản đành lựa chọn giải pháp sau cùng. Thủ tướng Nhật Bản - Naoto Kan, hôm 31.3 tuyên bố: “Chúng tôi không thể làm gì hơn ngoài việc đóng cửa nhà máy này”.

Trước đó, Chánh văn phòng nội các - Yukio Edano, cho rằng phải phá hủy tất cả 6 lò phản ứng tại nhà máy trên. Ông Tsunehisa Katsumata, giám đốc Công ty Điện lực Nhật Bản (TEPCO) khẳng đình cần đóng cửa 4 lò phản ứng hạt nhân trước.

4 lò phản ứng nói trên trở nên vô dụng từ khi nước biển được sử dụng để làm mát chúng sau khi trận động đất và sóng thần mạnh 9 độ Richter ngày 11.3 đã phá hỏng các hệ thống làm mát của nhà máy. Tomoko Murakami, chuyên gia nghiên cứu hạt nhân thuộc Viện Kinh tế Hạt nhân Nhật Bản, nói rằng các lò phản ứng bị hư hỏng cần phải bị tháo dỡ sau khi chúng đã được làm mát và nguyên liệu hạt nhân được đưa ra khỏi các lò phản ứng và lưu giữ. Tiến sĩ John Price, cựu thành viên Bộ phận Chính sách An toàn thuộc Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia của Anh nói rằng “có thể phải mất 50-100 năm” để hoàn tất việc phá dỡ nhà máy Fukushima số 1.

 
Nhà máy Fukushima - Ảnh: AFP 

Cho đến nay, ngoài sự phát tán phóng xạ trong không khí do việc xả khí bắt buộc nhằm làm giảm áp lực đối với lõi hạt nhân, nhà chức trách Nhật đã phát hiện phóng xạ trong nước ngầm và nước biển xung quanh khu vực nhà máy. Việc khẩn trương khôi phục các hệ thống làm mát của nhà máy được xem là cực kỳ hệ trọng đối với việc ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm phóng xạ gia tăng.

Hiện hệ thống điện tại tất cả 6 lò phản ứng đã được phục hồi và đèn đã bật sáng tại các phòng kiểm soát trung tâm. Sau khi các thiết bị theo dõi đã hoạt động lại, nhiệm vụ tiếp theo của TEPCO là xác định những phần bị hư hỏng của các lò phản ứng. Tuy nhiên, trong bối mức phóng xạ cao đang được ghi nhận tại phần lớn khu vực nhà máy, thời gian để các công nhân sửa chữa hệ thống làm mát bị hạn chế.

Nếu hệ thống làm mát không thể phục hồi, TEPCO sẽ phải tiếp tục bơm nước vào từ các máy bơm bên ngoài. Điều đó nhiều khả năng tiếp tục gây rò rỉ phóng xạ vào lòng đất và biển. Một thách thức đáng kể khác là đưa nước phóng xạ ra khỏi tầng hầm của những tòa nhà chứa turbine cạnh các tòa nhà chứa lò phản ứng. Ý tưởng là xây dựng những hồ chứa nước mới để tiếp nhận số nước trên, nhưng TEPCO đang đối mặt với nhiều tháng thực hiện các biện pháp tạm thời nhằm đối phó với những khối lượng nước khổng lồ chực chờ gây họa. 

Ngay cả khi 4 lò phản ứng bị đóng cửa, quá trình đưa các thanh nhiên liệu hạt nhân ra khỏi lõi cũng cần không ít thời gian và cũng đầy thách thức. Giới chức Nhật sẽ phải đau đầu với việc xử lý thế nào với các thanh nhiên liệu bị hư hỏng do hệ thống làm mát không hoạt động. Họ sẽ phải quyết định tháo gỡ và xử lý các thanh nhiên liệu hay đơn giản là chôn các lõi hạt nhân cùng với nhiên liệu của chúng bằng bê-tông.

Trùng quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.