EU: Cải tổ hoặc thất bại

24/06/2005 23:42 GMT+7

Chỉ có thay đổi mới giúp Liên minh châu u (EU) phục hồi sức mạnh và qua đó lấy lại niềm tin của dân chúng" - Thủ tướng Anh Tony Blair mở đầu bài phát biểu về kế hoạch trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU sắp tới của nước Anh bằng lời một lời cảnh báo.


Thủ tướng T.Blair nói rằng châu u sẽ đối mặt với một thất bại toàn diện nếu không nhanh chóng cải cách kinh tế trong giai đoạn mà những "gã khổng lồ” như Trung Quốc và Ấn Độ không ngừng vươn lên. "Mỹ là siêu cường duy nhất của thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ, mỗi nước có dân số gấp 3 lần toàn EU, sẽ trở thành những nền kinh tế hàng đầu hành tinh trong vài chục năm nữa", ông T.Blair bày tỏ mối lo ngại của mình. Khái niệm "cải cách" mà ông Blair nhấn mạnh ở đây bao gồm cả việc thắt chặt chính sách trợ cấp "quá hào phóng" của châu u, điều mà theo ông sẽ không phát huy tác dụng trong thế kỷ 21. Thêm vào đó, việc dành 40% ngân sách EU hiện nay cho nông nghiệp là bất hợp lý và sẽ là quá muộn nếu đợi đến năm 2014 mới thay đổi.

 

Lời phát biểu của ông Blair đã phản ánh sự sốt ruột của người châu u. Trong thời kỳ mà Mỹ vẫn nắm vị trí thống soái về kinh tế và quân sự toàn cầu còn các nước châu Á không ngừng trỗi dậy thì EU có vẻ như vẫn bước đi với tốc độ trung bình. Thậm chí, những diễn biến được miêu tả là "sự cố" gần đây còn cho thấy trong lòng liên minh này hiện đang cồn cào sóng. Không chỉ là chuyện dân chúng phản đối chính sách và kế hoạch hành động của EU thông qua việc nói "không" với hiến pháp mà giữa các nước thành viên vẫn còn những bất đồng sâu sắc. Đó là điều cực kỳ nguy hiểm trong mục tiêu giữ cho EU một thế cân bằng với Mỹ và các cường quốc kinh tế châu Á.

 

Ông Blair còn kêu gọi nguyên thủ các nước Đức và Pháp đẩy mạnh cải cách kinh tế theo hướng mở rộng tự do thương mại nhằm "giúp châu u có thể cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu hóa". Thủ tướng Anh không ngần ngại phê phán "tầm nhìn" của EU: "Tôi không nghĩ là chúng ta, những người châu u, đã nhận ra những thách thức cạnh tranh mà chúng ta đang đối mặt hôm nay. Đó không đơn thuần là Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Nếu nhìn vào những nước như Việt Nam hoặc Thái Lan, quý vị sẽ thấy họ đang vọt lên với một tốc độ như thế nào".

 

Đáp lại những lời phát biểu thống thiết của người Anh, Tổng thống Pháp J.Chirac và Thủ tướng Đức G.Schroeder tỏ ra khá lạnh nhạt. Ông Schroeder nói rằng "hình mẫu xã hội đặc thù của châu u có thể giúp bảo vệ sự phát triển của châu lục này". Còn ông Chirac vẫn chưa ngừng việc hướng mũi dùi về phía Anh: "Cùng với các đối tác, Pháp đã làm mọi thứ để tiến đến một thỏa thuận. Tiếc là thái độ không nhượng bộ của người Anh đã phá hỏng điều đó". Có thể thấy, sự bất đồng giữa ba ông lớn trong EU - Anh, Pháp và Đức - vẫn chưa được giải quyết. Đây cũng chính là một thách thức lớn cho mục tiêu tăng cường sức mạnh EU trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên sắp tới của nước Anh.

Châu Minh Linh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.