EU dọa siết chặt cấm vận, Iran tính thải dầu trả đũa

15/10/2012 14:05 GMT+7

(TNO) Liên minh châu Âu (EU) ngày 15.10 lên kế hoạch siết chặt cấm vận Iran để trừng phạt chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này, theo tin tức từ Reuters.

Lệnh cấm vận mới tập trung vào lĩnh vực ngân hàng, công nghiệp, vận tải hàng hải của Iran và dự kiến sẽ là biện pháp trừng phạt nặng tay nhất từ trước đến nay của EU đối với Iran.

Iran vẫn luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này được phát triển cho mục đích hòa bình.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle phát biểu EU phải mạnh tay hơn đối với Iran vì nước này đã không có bất kỳ động thái nào cho thấy muốn ngưng phát triển các chương trình hạt nhân trong vài tháng qua.

Tuy nhiên, ông Westerwelle cũng khẳng định EU vẫn sẵn sàng đàm phán với Iran.

Trong năm nay, nhóm các nước đối thoại với Iran, bao gồm Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc và Nga, đã lên tiếng yêu cầu Tehran từ bỏ chương trình làm giàu uranium lên mức 20%, vốn là một hạn mức kỹ thuật quan trọng chuẩn bị cho bước phát triển bom nguyên tử.

Trong khi đó, Iran đã lên một kế hoạch tuyệt mật, xả một lượng lớn dầu thô ra cửa biển ở Vịnh Ba Tư, tờ Independent (Anh) ngày 15.10 trích dẫn báo cáo tình báo của phương Tây cho hay.

Kế hoạch trên có bí danh là “Vùng nước bẩn” được soạn ra nhằm trả đũa lệnh cấm vận của phương Tây, Independent tiết lộ.

Theo kế hoạch, Iran sẽ đánh đắm hoặc phá hủy một chiếc tàu chở dầu lớn ngay tại Eo biển Hormuz, vốn là cửa ngõ đi vào vùng Vịnh Ba Tư của hơn 1/3 số tàu chở dầu thế giới. Chính tướng Mohammad Ali Jafari, chỉ huy của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, là người đã nghĩ ra kế hoạch này. 

Dầu lan sẽ gây ra một thảm họa môi trường tại cửa biển này và làm ngưng trệ việc lưu thông tàu bè tại đây. Điều này sẽ gây ra những thiệt hại khổng lồ cho thế giới.

Hoàng Uy

>> Khamenei thách thức “những kẻ thù của Iran”
>> Iran có thể tấn công New York?
>> Nguy cơ bùng nổ chiến tranh Israel - Iran
>> Azerbaijan bỏ tù 22 người làm gián điệp cho Iran
>> Yemen bắt “gián điệp Iran”
>> Iran tăng cường hiện diện tại các vùng biển quốc tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.