Giá dầu thô giảm mạnh phiên đầu tuần

08/02/2011 08:00 GMT+7

(TNO) Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần mới (đêm qua, rạng sáng nay - 8.2, giờ VN), giá dầu thô tại New York (Mỹ) tiếp tục giảm mạnh.

Nguyên nhân chính là việc chính phủ Ai Cập và các lãnh đạo phe đối lập bắt đầu đàm phán chấm dứt xung đột tại nước này, khiến cho những lo lắng về gián đoạn nguồn cung dầu mỏ đã không còn.

Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 7.2, giá dầu thô giao kỳ hạn tháng 3 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) ở mức 87,48 USD/thùng, giảm 1,55 USD/thùng (giảm 1,7%) so với phiên cuối tuần trước. Trước đó, giá dầu tại đây thậm chí đã giảm hơn 2%.

Đây là mức chốt phiên thấp nhất của giá dầu thô tại NYMEX kể từ phiên 27.1 tới nay. Sau khi tăng tốc tới mức giá cao nhất trong vòng 3 năm qua do tác động của những căng thẳng chính trị tại Ai Cập leo thang, giá dầu thô tại NYMEX đã giảm mạnh tới 5,1% liên tiếp trong 5 phiên gần đây.

Chính phủ Ai Cập trấn an những người biểu tình bằng việc hứa sẽ tổ chức một cuộc bầu cử sớm. Trên đường phố Ai Cập, những người biểu tình vẫn tuần hành yêu cầu Tổng thống Hosni Mubarak từ chức trước khi hết nhiệm kỳ, tuy nhiên, đã không còn xảy ra bạo động như tuần trước.

Cùng với việc căng thẳng tại Ai Cập được xoa dịu, dự trữ dầu thô tại Mỹ có dấu hiệu gia tăng cũng là nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh. Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) hồi tuần trước, dự trữ dầu thô tại kho Cushing, Oklahoma - kho chứa dầu thô giao dịch trên sàn NYMEX - đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Theo báo cáo này, tính trong tuần từ 24 đến 28.1, dự trữ dầu thô tại Cushing đã tăng thêm 667.000 thùng (tăng 1,8%) lên thành 38,3 triệu thùng.

Giá dầu Brent giao tháng 3 lại London (Anh) cũng giảm nhẹ 58 cent xuống còn 99,25 USD/thùng, giảm 0,6% so với phiên cuối tuần trước. Trước đó vào ngày 3.2, giá dầu này đã vươn tới mức kỷ lục 103,37 USD/thùng.

Tính tới nay, chênh lệch giá giữa dầu thô Brent tại London và dầu thô WTI tại New York đã lên tới 11,77 USD/thùng. Theo nhận định của một số chuyên gia, mức chênh lệch này có thể còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do dự trữ dầu tại kho Cushing tăng, kéo giá dầu thô WTI tại NYMEX giảm xuống.

* Trên thị trường chứng khoán, trong phiên cùng ngày, sắc xanh được duy trì khá rộng trên các bảng điện tử nhưng biên độ tăng của các chỉ số không mạnh. Chỉ số thị trường S&P 500 của Mỹ và Dow Jones Industrial cùng tăng nhẹ 0,6%, lần lượt chốt phiên 7.2 ở các mức 1.319,05 điểm và 12.161,63 điểm.

Tại châu u, chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng 1% trong phiên đầu tuần 7.2. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,9%, lên thành 6.051,03 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 1,1%, lên thành 4.090,8 điểm; DAX của Đức tăng 0,9%, lên mức 7.283,62 điểm.

Tại châu Á, một số thị trường mở cửa giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết m lịch đã lại xuất hiện sắc đỏ. Chỉ số MSCI Asia Pacific giảm nhẹ 0,1% trong phiên 7.2 (kết thúc chiều cùng ngày, giờ VN).

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 0,5%, lên thành 10.592,04 điểm; HSI của Hồng Kông giảm 355,37 điểm, tương đương giảm 1,5%, xuống còn 23.553,59 điểm. Shanghai Composite của Trung Quốc tăng nhẹ 0,3%; KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,5%; S&P/ASX 200 của Úc tăng 0,1% trong phiên cùng ngày.

Duy Trần
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.