Giáo hoàng của người nghèo

15/03/2013 03:25 GMT+7

Rạng sáng 14.3 (giờ VN), khói trắng xuất hiện bên trên nhà nguyện Sistine, báo hiệu việc đã bầu chọn được Giáo hoàng thứ 266 cho Giáo hội Công giáo.

Sau câu mở đầu nổi tiếng bằng tiếng La tinh “Habemus papam” (nghĩa là “Chúng ta đã có giáo hoàng”), Hồng y Jean-Louis Tauran loan báo Hồng y Jorge Mario Bergoglio, Tổng giám mục Giáo phận Buenos Aires (Argentina), là tân giáo hoàng với tông hiệu Francis. Thông tin này khiến cả thế giới ngạc nhiên vì phần lớn báo đài và các chuyên gia trước đó không xếp ông Bergoglio vào danh sách những ứng viên sáng giá nhất để kế vị Giáo hoàng Benedict XVI. Tại khu vực châu Mỹ La tinh, người được nhắc đến nhiều nhất những ngày qua là Hồng y Odilo Scherer của Brazil. Ngay tại quê nhà Argentina, tờ Le Figaro dẫn lời Phó đại diện Giáo phận Buenos Aires Eduardo Garcia nhận định việc Hồng y Bergoglio được bầu chọn “là điều trước đó không ai dám nghĩ đến”.

 Tân Giáo hoàng Francis vẫy chào tín hữu
Tân Giáo hoàng Francis vẫy chào tín hữu - Ảnh: AFP

Có 2 nguyên nhân chính khiến hầu hết dự đoán đều bị “việt vị” trong lần mật nghị này. Thứ nhất, Hồng y Bergoglio đã gần 77 tuổi, trong khi giới quan sát trước đó đánh giá các hồng y sẽ thiên về một ứng viên không quá 70 tuổi, sau khi Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị với lý do sức khỏe. Kế đến, theo nhật báo Công giáo La Croix, nhiều nguồn tin đáng tin cậy tiết lộ vào mật nghị năm 2005, Hồng y Bergoglio chính là ứng viên xếp thứ 2 và nhận được đến 40 phiếu nhưng ông đã đề nghị các hồng y dồn phiếu cho người xếp trên.

Trong khi đó, tân giáo hoàng lần này đã “đắc cử” chỉ sau 5 vòng bỏ phiếu, khá nhanh so với trung bình 8 vòng kể từ đầu thế kỷ 20. Giáo hoàng Francis là người đứng đầu Giáo hội Công giáo đầu tiên đến từ Mỹ La tinh và cũng là tu sĩ đầu tiên của dòng Tên được bầu vào vị trí này.

Tất cả giáo dân có mặt tại quảng trường Thánh Phê Rô của Vatican hoặc theo dõi trực tiếp qua các phương tiện truyền thông đều ấn tượng về phong cách rất giản dị, gần gũi trong phần phát biểu “ra mắt” của Giáo hoàng Francis. Khoác phẩm phục trắng, ông phát biểu không hề nhắc đến từ “giáo hoàng” mà chỉ tự giới thiệu là “giám mục thành Rome”. Giáo hoàng Francis còn nói vui: “Các hồng y đã đến tận cùng thế giới để chọn ra tôi”. Ông không quên nhắc về Giáo hoàng Benedict XVI. Đặc biệt, trước khi ban lời chúc lành theo truyền thống, tân giáo hoàng đã đề nghị các tín hữu dành một phút cầu nguyện cho ông.

Giản dị và khiêm nhường

Theo La Croix, ông sinh tháng 12.1936 tại Buenos Aires trong một gia đình gốc Ý rất bình dân, cha là nhân viên ngành đường sắt. Ông từng tốt nghiệp kỹ thuật viên hóa học trước khi trở thành tu sĩ dòng Tên. Tại đây, ông học về thần học và triết học, được phong linh mục vào năm 1969. Sau khi trở thành Giám tỉnh dòng Tên Argentina, linh mục Bergoglio tiếp tục việc nghiên cứu và đã lấy bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Fribourg (Đức) năm 1986. Ông được Giáo hoàng John-Paul II sắc phong giám mục vào năm 1992 và hồng y vào năm 2001.

Theo nhật báo Argentina Clarin, trong thời gian đứng đầu Giáo phận Buenos Aires, Hồng y Bergoglio từ chối sống trong dinh thự dành cho tổng giám mục mà chọn một căn hộ nhỏ ở gần nhà thờ chánh tòa. Ông cũng dùng phương tiện giao thông công cộng thay cho xe hơi với tài xế riêng. Những khi có dịp đến Roma, ông lại dùng phục phẩm hồng y của Hồng y tiền nhiệm Antonio Quarracino “để lại”. Đối với giáo dân Buenos Aires, ông là một vị giám mục cực kỳ gần gũi, thân thiện, “ít nói nhưng rất chịu lắng nghe” và sẵn lòng “hạ mình xuống” để phục vụ người nghèo khổ. Dù sức khỏe không tốt do phải phẫu thuật cắt bỏ một lá phổi từ năm 20 tuổi, Hồng y Bergoglio nổi tiếng với lịch làm việc dày đặc. Ông thức dậy từ 4 giờ 30 và kết thúc ngày làm việc khi đã gần 21 giờ. Giáo dân thường xuyên thấy ông ăn bánh mì vào bữa trưa cùng các cộng sự.

Về mặt quan điểm, Giáo hoàng Francis vẫn bảo vệ các giá trị truyền thống của đạo Công giáo như chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính… Tuy nhiên, ông được đánh giá là người chủ trương “cải cách chừng mực”, có quan hệ tốt với các tôn giáo khác và rất quan tâm đến các vấn đề xã hội. Hồi tháng 9.2012, ông từng nói các linh mục không chịu rửa tội cho con của những bà mẹ đơn thân là “đạo đức giả”. Ngoài ra, việc chọn tông hiệu Francis cũng cho thấy tân giáo hoàng có ý theo gương Thánh Phanxicô thành Assisi (tiếng La tinh là Franciscus Assisiensis). Vị thánh này sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng đã bỏ tất cả để lập dòng Anh em hèn mọn chuyên phục vụ người nghèo. Trong bối cảnh Vatican đang chịu nhiều tai tiếng vì vụ rò rỉ thông tin mật (VatiLeaks) hay những vụ bê bối tình dục ở một số linh mục, các hồng y đã chọn lựa một tân giáo hoàng có phẩm hạnh rất tốt như một thông điệp về sự thay đổi. Thánh lễ nhậm chức của Giáo hoàng Francis sẽ được tổ chức vào ngày 19.3.

Thế giới chúc mừng Giáo hoàng Francis

Sau khi có kết quả mật nghị, nhiều lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế đã gửi điện mừng Giáo hoàng Francis, theo AFP. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon chúc tân giáo hoàng “tiếp tục là cầu nối giữa các tôn giáo như người tiền nhiệm”. Chủ tịch Ủy ban châu u Jose Manuel Barroso tin tưởng Giáo hoàng Francis “sẽ giúp Giáo hội Công giáo xây dựng hòa bình và tinh thần liên đới”. Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi tân giáo hoàng là “người luôn bênh vực cho những ai khốn cùng”.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Năm điều cần biết về Giáo hoàng Francis
>> Giáo hoàng Francis - Tấm gương khiêm nhường
>> Đã bầu được tân giáo hoàng
>> Vatican tiết lộ công thức tạo khói báo hiệu tân giáo hoàng
>> Mật nghị chọn giáo hoàng bắt đầu
>> Những ứng viên sáng giá cho vị trí giáo hoàng
>> Thách thức cho tân giáo hoàng
>> Các ứng viên triển vọng cho ngôi Giáo hoàng
>> Các hồng y tề tựu về Rome chuẩn bị bầu Giáo hoàng mới
>> 6 điều về Mật nghị Hồng y bầu tân giáo hoàng
>> Giáo hoàng Benedict XVI từ biệt trong lặng lẽ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.