Hậu trường chính trị: Anh chính thức rơi vào suy thoái

Ngọc Mai
Ngọc Mai
13/08/2020 14:36 GMT+7

Anh - nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới đã chính thức rơi vào suy thoái, lần đầu tiên sau 11 năm.

Số liệu được Văn phòng thống kê quốc gia Anh công bố hôm qua cho thấy sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 2 lên tới 20,4%, mức sụt giảm quý tồi tệ nhất kể từ khi thu thập dữ liệu vào năm 1955. Trước đó, kinh tế Anh hứng chịu sụt giảm 2,2% trong quý 1.
Anh cũng là nước suy thoái nặng nề nhất trong các nền kinh tế lớn tính đến thời điểm này. So với cuối năm 2019, sản lượng kinh tế Anh đã giảm tới 22,1% trong 6 tháng đầu năm 2020, kết quả đáng báo động hơn nhiều so với Đức, Pháp, Ý hay Mỹ. Đợt suy thoái kinh tế này có nguyên do trực tiếp từ đại dịch Covid-19, khi chính phủ áp dụng các biện pháp phong tỏa, yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa để ngăn dịch bệnh lây lan. Các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là dịch vụ, sản xuất và xây dựng. Cuộc khủng hoảng thất nghiệp cũng đã tác động trực tiếp đến hàng trăm ngàn người.
Mặc dù chính phủ Anh quyết định “phong thành” sau hầu hết các nước châu Âu khác như Đức, Pháp, Ý hay Tây Ban Nha, nhưng điều đó không giúp được nhiều cho nền kinh tế nước này. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak hôm qua thừa nhận khó khăn vẫn còn ở phía trước nhưng đảm bảo mọi người dân đều không bị bỏ lại phía sau trong bế tắc và tuyệt vọng.

Kinh tế toàn cầu giữa dịch Covid-19: Khi Mỹ "hắt hơi", thế giới cũng run rẩy

Việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch khiến số liệu tháng 6 có cải thiện hơn, và Anh vẫn có cơ hội để dần phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng quá trình phục hồi sẽ diễn ra chậm, kéo dài và còn phụ thuộc vào tình hình đại dịch. Đã có những cảnh báo rằng nếu chỉ tập trung cứu vãn kinh tế mà lơ là phòng dịch thì Anh hay bất cứ nước nào cũng có thể phải gánh hậu quả khó lường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.