Hiểm họa khủng bố đơn lẻ

10/09/2011 23:32 GMT+7

Nhiều chuyên gia đánh giá giờ đây hiểm họa khủng bố đến từ những cá nhân hoạt động đơn lẻ ngay trong lòng các nước phương Tây.

Không bao lâu sau ngày 11.9.2001, Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố dưới nhiều hình thức khác nhau trên khắp thế giới. Tuy nhiên, chủ nghĩa khủng bố vẫn còn hiện diện mạnh mẽ và chuyển sang một hình thái mới, khó nắm bắt và đề phòng hơn, tạp chí Foreign Policy dẫn lời GS Charles Kurzman của ĐH North Carolina (Mỹ) nhận định.

Theo ông Kurzman, nhiều phần tử khủng bố ngày nay không liên can gì đến al-Qaeda hay bất cứ tổ chức nào khác. Những kẻ này có thể là thanh niên Hồi giáo, sinh trưởng ngay tại Mỹ, nhưng lại mang một mối hận đối với những “hành động đàn áp” của Chính phủ Mỹ với thế giới đạo Hồi.

 
Cảnh sát Mỹ tăng cường kiểm tra tại New York ngày 10.9 - Ảnh : AFP

Washington cũng nhìn nhận khủng bố đơn lẻ là mối đe dọa lớn nhất hiện nay. CNN dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: “Hiểm họa chính hiện nay là những tay khủng bố cô độc”. Với việc Mỹ thắt chặt mạng lưới an ninh sau biến cố 11.9 cùng sự suy yếu của al-Qaeda, nguy cơ xảy ra khủng bố quy mô lớn, được phối hợp bài bản khá thấp. Tuy nhiên, với nhiều bất ổn kinh tế - xã hội và quan hệ với Hồi giáo vẫn chưa được cải thiện, khủng bố nội sinh đang ám ảnh nước này. Vào bất kỳ thời điểm nào cũng có thể xảy ra một vụ thảm sát không ai ngờ tới, được thực hiện bởi một cá nhân bất mãn nào đó. Phát hiện và ngăn chặn những mầm mống khủng bố đơn lẻ như vậy không phải là chuyện dễ dàng.

Cảnh báo này đã được thực tế chứng minh. Ngày 5.11.2009, thiếu tá quân y Nidal Malik Hasan đột ngột xả súng bắn chết 13 binh sĩ và làm trọng thương hàng chục người tại căn cứ quân sự Fort Hood ở bang Texas. Hasan là một tín đồ Hồi giáo sùng đạo và rất ngưỡng mộ giáo sĩ Anwar al-Awlaki, người vốn là “cố vấn tinh thần” cho một số kẻ tham gia cuộc tấn công 11.9.2001. Mới đây, một vụ tấn công tương tự suýt xảy ra cũng tại Ford Hood. Ngày 27.7, binh nhất Naser Jason Abdo, người tự nhận mình là tín đồ Hồi giáo và phản đối việc bị điều đến Afghanistan, đã chuẩn bị súng đạn để gây một trận giết chóc. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã kịp thời bắt giữ Abdo và phá tan âm mưu của y. 

al-Qaeda ngày nay

Reuters dẫn lời các chuyên gia nhận định al-Qaeda giờ đây chỉ còn là cái bóng của chính mình. Theo đó, các thủ lĩnh của al-Qaeda không còn đủ sức tiến hành một cuộc tấn công như vụ 11.9, nhất là sau cái chết của Osama bin Laden. Tuy nhiên, tổ chức này còn lâu mới bị tiêu diệt hoàn toàn và đang ra sức mở rộng mạng lưới.

Theo giới quan sát, al-Qaeda giờ đây như một con rắn nhiều đầu với các chi nhánh ở Yemen, Somalia hoạt động mạnh để bù vào sự suy yếu của “đại bản doanh” Afghanistan và Pakistan. Ngoài ra, al-Qaeda vẫn đang ra sức tuyên truyền, tạo ảnh hưởng qua internet và có thể tạo ra những cá nhân cuồng tín ngay tại các nước phương Tây với hậu quả khôn lường.

Nguy cơ khủng bố ngày tưởng niệm

Ngày 10.9, AP dẫn lời giới chức Mỹ cho rằng ít nhất 2 trong số 3 nghi phạm liên quan tới mối đe dọa khủng bố vào dịp tưởng niệm 10 năm sự kiện 11.9 là công dân Mỹ hoặc có giấy phép du lịch ở nước này. Theo nguồn tin tình báo, thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahri đã ra lệnh 3 đối tượng tấn công nước Mỹ để “đánh dấu chiến công 10 năm trước” bằng cách đánh bom xe ở New York hoặc Washington. Giới phản gián Mỹ vẫn đang xác định danh tính của 3 nghi phạm và điều tra tính xác thực của mối đe dọa.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng khẳng định al-Qaeda đứng sau âm mưu khủng bố mới. Hiện toàn bộ cảnh sát New York được đặt trong tình trạng báo động khẩn. Cảnh sát vũ trang hạng nặng tuần tra các con đường đông đúc và chó nghiệp vụ được triển khai tìm bom trong hệ thống tàu điện ngầm.

 Văn Khoa

 Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.