Hoàng Hải trước cơn sóng dữ

30/05/2009 01:15 GMT+7

Hàn Quốc lo ngại CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị xúc tiến các bước đi mới gây căng thẳng tại giới tuyến trên biển giữa 2 miền.

Căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên tiếp tục có chiều hướng gia tăng sau khi các tàu đánh cá Trung Quốc rút khỏi khu vực từng xảy ra những cuộc đụng độ ác liệt xung quanh đường Giới hạn phía Bắc (NLL), giới tuyến tạm thời tại Hoàng Hải giữa 2 miền. Thông tấn xã Yonhap hôm qua đưa tin hồi đầu tuần này có hơn 280 tàu Trung Quốc hoạt động tại khu vực trên, nhưng số lượng đang giảm xuống còn khoảng 140 tàu mặc dù đang trong đỉnh điểm của mùa đánh bắt. Yonhap dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết nước này đang tìm hiểu lý do của tình trạng trên, liệu tàu Trung Quốc di chuyển chỗ khác là theo yêu cầu của miền Bắc hoặc đây chỉ đơn thuần là hành động tự phát để tránh xung đột có thể xảy ra. Theo hãng tin Reuters, sự kiện này đã khiến Seoul lo ngại Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị gây thêm căng thẳng xung quanh giới tuyến trên biển.

Diễn biến trên cũng xảy ra trong lúc Mỹ triển khai đội máy bay chiến đấu siêu hạng F-22 tối tân nhất của không lực nước này đến đảo Okinawa, Nhật Bản. Tổng cộng có 12 chiếc F-22 đáp xuống Okinawa vào hôm nay, theo hãng tin AP dẫn thông cáo của Căn cứ không quân Kadena. Bất chấp việc triển khai trên diễn ra trong thời điểm vô cùng nhạy cảm tại Đông Á, Lầu Năm Góc liên tục bác bỏ ý định sẽ tấn công CHDCND Triều Tiên và khẳng định đội máy bay chiến đấu F-22 đã có lịch đến Nhật Bản từ 4 tháng trước. Trong khi đó, tại Washington, AP dẫn lời Tham mưu trưởng lục quân, tướng George Casey, cho hay Mỹ có thể tiến hành một cuộc chiến tranh thông thường chống CHDCND Triều Tiên nếu cần thiết, bất chấp thực tế nước này đang phải dàn mỏng lực lượng đến các cuộc xung đột khác trên thế giới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cố gắng hạ nhiệt khi nói bán đảo Triều Tiên không hề trong tình trạng khủng hoảng và chẳng cần thiết triển khai thêm quân đến khu vực.

Trong lúc Mỹ và Nhật Bản đang luân chuyển bản dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ về vấn đề Triều Tiên cho những thành viên chủ chốt của hội đồng, giới chức Mỹ trước đây và hiện nay cho hay Washington buộc phải vật lộn với ý tưởng rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí nguyên tử, theo hãng tin Reuters. Nếu trước đây quốc gia Đông Á này thường sử dụng những bước đi tương tự để làm vật trao đổi trên bàn đàm phán với phương Tây, thì nay có thể tình thế đã thay đổi hoàn toàn. Reuters dẫn lời cựu quan chức CIA Bruce Klingner đánh giá hiện Bình Nhưỡng đã hành động quá mau lẹ trước khi quốc tế có thể can thiệp bằng con đường ngoại giao. Trước nay, Mỹ luôn áp dụng biện pháp răn đe nhưng luôn mở con đường đàm phán cho CHDCND Triều Tiên với hy vọng có thể giải quyết vấn đề trên bàn hội nghị. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry cho hay phương pháp cũ có thể không còn phát huy tác dụng và Washington cần phải áp dụng biện pháp cứng rắn hơn. Ông này từng đóng vai trò chủ chốt trong thỏa thuận Mỹ - CHDCND Triều Tiên đạt được vào năm 1994, theo đó Bình Nhưỡng đóng băng chương trình hạt nhân để đối lấy viện trợ. Và cách mà ông Perry đề nghị chính là trừng phạt tài chính “đúng chỗ”.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.