Học và hành ở Mỹ chưa bao giờ lại khó như thế

31/08/2020 11:40 GMT+7

Số sinh viên nước ngoài ở Mỹ đang giảm xuống mức kỷ lục. Đối với những sinh viên nước ngoài vừa tốt nghiệp, cơ hội tìm được việc làm tại Mỹ cũng không hề dễ dàng.

Sinh viên Đại học Nam California (USC) ở Los Angeles đã bước vào học kỳ mùa thu. Giống như nhiều đại học Mỹ khác, các lớp học của USC sẽ được giảng dạy trực tuyến. Điều này đang tạo ra khó khăn cho hàng nghìn sinh viên quốc tế, bởi hiện tượng lệch giờ.

Không phải lúc đến Mỹ

Theo tờ New York Times, cô Ronny Hu, một sinh viên của USC ở Hồng Kông, cho biết mình sẵn sàng thức giấc lúc 5 giờ sáng để có thể theo dõi bài học trực tiếp qua mạng. Trong trường hợp ngủ nướng, cô ấy cũng có thể "học lại" bởi bài giảng luôn được ghi và lưu trên mạng của nhà trường. Tuy nhiên, việc không thể tương tác với giảng viên và sinh viên khác khiến cô ấy cảm thấy như "người đăng ký một dịch vụ trực tuyến đắt nhất thế giới".
Ngay từ tháng 7, cùng với Harvard, USC là một trong những trường đại học đầu tiên của Mỹ yêu cầu sinh viên nước ngoài học ở nhà, tạp chí Forbes cho biết.
Trước đây, USC từng công bố là sẽ giảng dạy theo cách hỗn hợp: vừa trực tiếp trong lớp vừa gián tiếp qua mạng. Tuy vậy, khi những ca Covid-19 bắt đầu gia tăng ở California thì vào ngày 2.7, USC đã “nói lại”: “Các lớp học có thể sẽ được tổ chức hoàn toàn trực tuyến”.
Và rồi cả hai đại học hàng đầu Harvard, USC đều cho sinh viên quốc tế biết, trong tình hình mới, sinh viên quốc tế khó có thể được cấp thị thực F-1 hoặc M-1 để nhập cảnh Mỹ. Thông tin này đã được Sở Di trú Mỹ xác nhận vào ngày 24.7.
Ozlem Akkurt, 30 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến sẽ theo học bậc thạc sĩ tại Trường Kinh doanh của Đại học Stanford vào mùa thu năm nay. Cô cho tờ Washington Post biết sinh viên quốc tế không chỉ vấp phải vấn đề thị thực mà còn cả vấn đề dịch bệnh covid-19. Hiện giờ không phải là thời điểm tốt để đến Mỹ.
So với nhiều nước khác, Mỹ hẳn sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để mọi chuyện trở lại bình thường. "Mà tôi thì không muốn mạo hiểm, không muốn bị mắc kẹt ở Mỹ đâu!", Ozlem Akkurt cho biết.
Giống như cô, nhiều sinh viên quốc tế đã quyết định chờ, chưa vội đăng ký vào đại học Mỹ. Theo dữ liệu ban đầu, Mỹ là nước nói tiếng Anh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc này.

Giảm 25% số đăng ký

Tờ Washington Post cho rằng hãy còn quá sớm để xác định chính xác tác động của đại dịch Covid- 19, nhưng một vài yếu tố từ các cuộc khảo sát gần đây cho thấy số lượng sinh viên quốc tế đăng ký học tại Mỹ đã giảm thấy rõ. Hiện giờ, lại xuất hiện thêm nhiều tín hiệu cho thấy xu hướng này có khả năng sẽ gia tăng.
Theo ước tính của Hiệp hội các Nhà giáo dục quốc tế (Nafsa), do Rachel Banks trích dẫn, năm nay, số lượng sinh viên nước ngoài tham gia thi tuyển vào các đại học Mỹ đã giảm 25%. Họ sợ không được chăm sóc sức khỏe, trong khi việc xin thị thực đã trở nên khó khăn hơn. Bởi vậy, theo tờ Washington Post, “điểm đến du học Mỹ” đã bị giáng cho một đòn khá nặng nề.
Còn theo tờ Financial Times (Anh) thì tình hình của sinh viên nước ngoài ra trường ở Mỹ cũng không tốt đẹp gì hơn. Erin, người mang nửa dòng máu Trung Quốc, nửa Nhật Bản, sinh viên trường Barnard thuộc Đại học Columbia, cho biết: "Tôi đã tốt nghiệp và lần đầu tiên cảm thấy mình không có triển vọng gì cả về công ăn việc làm".
Erin dự định sẽ tìm việc tại Mỹ trong khuôn khổ Chương trình OPT (Đào tạo Thực hành Tùy chọn). Chương trình này cho phép sinh viên quốc tế ở lại Mỹ ít nhất một năm với điều kiện là tìm được việc làm liên quan đến ngành học của mình. Đối với những sinh viên muốn ở lại Mỹ làm việc lâu dài, chương trình OPT được xem như một cách thức giúp thu hẹp khoảng cách giữa thị thực sinh viên với thị thực làm việc.
Tuy nhiên, giờ đây những doanh nghiệp có ý định tuyển sinh viên nước ngoài, thậm chí đã phỏng vấn họ rồi, đều tạm ngưng việc tuyển dụng, hoặc chỉ nhận sinh viên quốc tịch Mỹ mà thôi.
“Hiện nay, Erin và bạn học nước ngoài của cô, những người mong muốn bắt đầu sự nghiệp ở Mỹ đều phải đối mặt với thị trường việc làm tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái (những năm 1930) của Mỹ”, tờ báo Anh cho biết.
Erin đã cay đắng xác nhận điều trên. Theo cô, nước Mỹ, đặc biệt là bang New York, từng nổi tiếng là thiên đường của người nhập cư, và một phần của giấc mơ Mỹ là bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ con số không. Và thành đạt. Nhưng, hiện nay, học và hành ở Mỹ đang mỗi ngày lại một thêm khó. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.