Indonesia cấm cửa du khách nói lớn

19/08/2014 19:03 GMT+7

(TNO) Chỉ vì nói chuyện trong lúc chờ làm thủ tục nhập cảnh, nhiều du khách từ Singapore bị nhân viên cửa khẩu Batam (Indonesia) đuổi về nước.

(TNO) Chỉ vì nói chuyện trong lúc chờ làm thủ tục nhập cảnh, nhiều du khách từ Singapore bị nhân viên cửa khẩu Batam (Indonesia) đuổi về nước.


Biển cấm nói lớn (Don't make noise) tại một cửa khẩu tỉnh Riau, Indonesia. Khách nhập cảnh thường chẳng mấy khi để ý các biển cấm chi chít này; nhưng nhân viên cửa khẩu Batam thì hết sức nghiêm khắc - Ảnh: Thục Minh

Nằm cách Singapore khoảng 1 giờ đi phà, đảo Batam là trung tâm kinh tế lớn của tỉnh đảo Riau gồm nhiều hòn đảo nhỏ của Indonesia.

Batam có sức hút lớn đối với người dân đảo sư tử ưa nghỉ ngơi và mua sắm ở những nơi giá rẻ.

Khi các sòng bạc ở Singapore chưa ra đời, Batam cũng là nơi thu hút nhiều công dân đảo sư tử có máu đỏ đen.

Hằng ngày, những chuyến phà của 3 công ty Batam Fast, Sindoferry và WaveMaster Holidays Club dập dìu đưa trả khách từ bến cảng Habourfront ở phía nam Singapore cập vào Batam qua hai cửa khẩu Batam Centre International Ferry Terminal và Sekupang, hoặc ngược lại.

Vé khứ hồi cho một lần đi về giữa Singapore và Batam khoảng 50 SGD (850.000 đồng).

“Im lặng là vàng”

Không rõ từ lúc nào, tại hai cửa khẩu Batam Centre và Sekupang xuất hiện biển “cấm nói to”.

Biển cấm được vẽ trên cột tường dưới dạng hình tròn trong một ô vuông màu đỏ, với ngón tay trỏ đặt lên môi, và nằm giữa chi chít các biển cấm khác như không hút thuốc, không gọi điện thoại, không chụp ảnh...

Trong lúc khách vào Batam không mấy lưu tâm đến những biển cấm thì các nhân viên cửa khẩu lại hết sức khắt khe trước những người vô ý nói to.

Cốc Khải Khải, một thanh niên 25 tuổi, cho biết anh và một người bạn đã bị đuổi về chỉ vì nói chuyện trong lúc xếp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh tại Batam Centre hồi tháng trước.

Khải Khải đi du lịch cùng 4 người bạn.

Trong khi 3 người nhập cảnh vào Batam bình thường thì anh và một người nữa bị một nhân viên cửa khẩu dẫn vào phòng chờ khởi hành, buộc lên chuyến phà gần nhất để trở về Singapore.
 
Để không bỏ lỡ chuyến du lịch, về đến đảo sư tử, hai người phải mua vé cho một chuyến phà khác cập cảng Sekupang.

Bức xúc, Khải Khải nói với báo Straits Times: “Tôi sang đó để du lịch, tại sao tôi lại không được phép mở mồm? Tôi chỉ nói chuyện với bạn tôi thôi mà”.

Người thanh niên này cho biết thêm: “Chúng tôi không được cho cơ hội để thanh minh. Chúng tôi cũng nhờ người của hãng phà can thiệp để được giải thích với nhà chức trách, nhưng đều bị từ chối”.

Các hãng phà cho báo biết, mỗi tuần có khoảng 15 khách bị trả về, và họ dù muốn cũng không thể giúp đỡ được gì trước sự nghiêm khắc của các nhân viên cửa khẩu.

“Vào mùa cao điểm du lịch, có khi đến 50 người bị trả về trong một tuần”, ông Shanzan Shah, quản lý văn phòng hãng phà WaveMaster tại cửa khẩu Batam Centre, cho hay.

Ông này cũng nói thêm, việc không cho những hành khách nói chuyện tại cửa khẩu nhập cảnh vào Batam bắt đầu hồi tháng 1.2014.

Và từ vài tháng qua, trên các chuyến phà đi Batam, các chủ phà đã có chương trình nhắc nhở hành khách im lặng khi làm thủ tục nhập cảnh.

Tại anh tại ả


Thành phố Batam đang làm mất lòng khách bằng quy định cấm người nhập cảnh nói chuyện tại cửa khẩu. - Ảnh: Thục Minh

Nhiều du khách bức xúc đã lên tiếng trên các diễn đàn du lịch.

Trên trang TripAdvisor, du khách có nickname TangGuo hậm hực kể lại vụ việc mẹ và dì của mình bị nhân viên cửa khẩu đuổi về Singapore trong lúc cả gia đình đi Batam nghỉ mát hồi tháng 5 năm nay, chỉ vì họ nói chuyện dù “với âm lượng rất vừa phải”.

Ngoài chuyện bị đuổi về với lý do được cho là hết sức “nực cười”, TangGuo cũng phàn nàn về thái độ và hành vi “thô lỗ, thiếu chuyên nghiệp và như côn đồ” của tay nhân viên cửa khẩu.

Người này cũng đặt câu hỏi, hành vi và thái độ đó liệu có đáng không, hay thực ra chỉ là muốn hạch họe để du khách phải đưa “tiền lót tay” 50 SGD cho êm chuyện?

Câu chuyện của TangGuo được nhiều người có cùng “kinh nghiệm” chia sẻ. Phần lớn cho rằng quy định của chính quyền Batam là vô lý và dại dột, bởi nó “giết chết cảm tình của du khách”.

“Vậy thì đến Batam làm quái gì?”, một số người kết luận.

Tuy nhiên, thành viên Citizens2006 lại lập luận rằng: “Đó chỉ là sự khác nhau về văn hóa và cách nghĩ của mỗi người. Nếu người Singapore chọn đến một nơi như vậy thì phải chấp nhận thái độ đó thôi”.

“Có thể điều đó là bình thường đối với người Indonesia, bởi họ cũng đối xử với công dân họ y như vậy. Trung Quốc cũng từng như thế, và họ đã cải thiện dần qua thời gian”, người này lý giải.

Biện minh cho quy định này, Trưởng phòng xuất nhập cảnh Batam Centre là Irwanto Suhaili nói: “Nhân viên của chúng tôi cần môi trường im lặng để làm việc. Bằng không, hành khách sẽ không nghe gì khi nhân viên cửa khẩu gọi đến tên họ”.

Ông Irwanto cũng nói rằng du khách nên tự trách mình thì đúng hơn, bởi có nhiều người nhập cảnh trong tình trạng say xỉn, nói to tiếng, gọi điện thoại ầm ĩ và chen lấn, thay vì xếp hàng nghiêm túc.

“Nếu tôi đến Singapore, người ta mong đợi tôi chấp hành các luật lệ của xứ bạn; thì khi các bạn đến đây, các bạn cũng nên tuân thủ quy định của chúng tôi. Nếu các bạn tuân thủ, sẽ chả có vấn đề gì cả”, ông Irwanto nói với Straits Times.

Có phần như mỉa mai, tờ báo này mô tả đầu bài báo rằng ngày nay khi đến cửa khẩu Batam, người ta chỉ còn nghe tiếng đóng dấu hộ chiếu “bụp, bụp, im lặng, rồi lại bụp, bụp”.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Vụ chìm tàu ở Indonesia: Du khách uống nước tiểu để sống sót
>> Indonesia sẵn sàng làm trung gian hòa giải ở biển Đông
>> Tàu VN cứu 10 ngư dân Indonesia
>> Tổng thống tân cử Indonesia bị dọa bỏ bom
>> Thách thức dành cho Tổng thống tân cử Indonesia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.