Indonesia tiếp nhận cứu trợ từ quốc tế

02/10/2018 08:01 GMT+7

Trước mức độ thiệt hại nặng nề do thảm họa kép động đất và sóng thần gây ra, chính phủ Indonesia đã bật đèn xanh tiếp nhận cứu trợ từ cộng đồng quốc tế.

Lực lượng cứu hộ Indonesia ngày 1.10 vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người mắc kẹt dưới đống đổ nát tại Palu và các vùng lân cận. Tuy nhiên, công tác này gặp nhiều khó khăn do thiếu thiết bị chuyên dụng. “Truyền thông bị hạn chế, máy móc hạng nặng thì thiếu thốn, không đủ đào bới số tòa nhà bị đổ sập”, BBC dẫn lời phát ngôn viên Cơ quan Ứng phó thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết.
Theo giới chức Indonesia, hơn 1.200 người đã thiệt mạng vì thảm họa và con số này dự kiến còn tăng cao khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được các vùng gần tâm chấn hơn. Khoảng 48.000 người mất nhà cửa và 2,4 triệu người ở các vùng gặp nạn cần trợ giúp. Trong khi đó, các hố chôn tập thể đã được đào trên đồi để tránh bùng phát dịch bệnh. Nhà chức trách địa phương ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 14 ngày. Giới chức cũng cho biết khoảng 1.200 tù nhân đã vượt ngục tại ít nhất 3 trại giam trong vùng.
[VIDEO] Số người chết vì thảm họa kép tại Indonesia có thể lên đến hàng nghìn
Truyền thông Indonesia đưa tin nhiều tín hiệu cầu cứu từ điện thoại di động đã được phát hiện dưới các đống đổ nát ở trung tâm thương mại và khách sạn Roa Roa gồm 80 phòng tại Palu. Theo AFP dẫn lời tình nguyện viên tên Thalib Bawano, ít nhất 3 người đã được cứu khỏi khách sạn Roa Roa và ước tính còn hơn 50 người còn mắc kẹt tại đây. “Chúng tôi cũng nghe nhiều tiếng cầu cứu, trong đó có giọng trẻ em”, ông Bawano kể.
Theo tờ The Jakarta Post, chính phủ Indonesia thông báo sẽ tiếp nhận hỗ trợ từ nước ngoài giúp khắc phục hậu quả. Hàn Quốc thông báo góp 1 triệu USD, đồng thời xem xét triển khai một đội cứu hộ. Ủy ban Châu Âu (EC) hỗ trợ ban đầu số tiền 1,5 triệu euro, đưa chuyên gia đến Indonesia giúp điều phối công tác khắc phục thảm họa. EC cũng sẽ kích hoạt dịch vụ bản đồ vệ tinh khẩn cấp Copernicus giúp Indonesia định vị được các địa điểm hứng thảm họa kép. “Trung tâm phối hợp đối phó khẩn cấp 24/7 của ủy ban đang theo dõi sát sao mọi diễn biến và sẵn sàng hỗ trợ thêm nếu được yêu cầu”, theo EC.
Theo giới chức Indonesia, có nhiều yếu tố khiến số thương vong trong thảm họa kép tăng cao. Hệ thống cảnh báo sóng thần của nước này đã không hoạt động hiệu quả. Reuters dẫn tin từ Cơ quan Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết đã dỡ bỏ lệnh cảnh báo sóng thần 34 phút sau khi ban bố, do thiết bị cảm biến này không phát hiện các đợt sóng lớn. BMKG giải thích đã tuân thủ đúng quy trình và dỡ bỏ cảnh báo dựa trên phân tích số liệu thu được từ thiết bị cảm biến thủy triều cách Palu khoảng 200 km. Ông Rahmat Triyono, lãnh đạo Trung tâm theo dõi động đất và sóng thần thuộc BMKG, cho biết thiết bị cảm biến chỉ ghi nhận được một đợt sóng cao khoảng 6 cm và không nhận biết được những đợt sóng lớn gần Palu. “Dựa trên những đoạn phim được đăng tải lên mạng xã hội, chúng tôi ước tính sóng thần xảy ra trước khi cảnh báo chính thức được dỡ bỏ”, ông Triyono nói. Ngoài ra, việc khu vực bị mất điện và hệ thống liên lạc gián đoạn cũng khiến tin nhắn không đến được với người dân. Bên cạnh đó, không có còi báo động ở dọc bờ biển này.
Trả lời Thanh Niên chiều 1.10, Đại sứ VN tại Indonesia Phạm Vinh Quang cho biết đại sứ quán đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Indonesia đưa được 10 sinh viên VN ở Palu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi các trận động đất, sóng thần, bằng máy bay quân sự an toàn xuống sân bay ở thành phố Makassar. Hiện các sinh viên đã có vé và hoàn thành các thủ tục hàng không để chuẩn bị bay về Jakarta. Việc đưa các công dân VN khỏi Palu đã tiến hành kịp thời vì ngay sau đó các cơ quan chức năng Indonesia cho biết đã xảy ra tình trạng hỗn loạn tại Palu buộc họ tạm ngừng triển khai các chuyến bay quân sự từ Palu tới Makassar và ngược lại.
Bão Trami hoành hành miền tây Nhật Bản
Ít nhất 2 người thiệt mạng, 2 người mất tích và khoảng 170 người bị thương sau khi bão Trami ập vào vùng gần thành phố Osaka, miền tây Nhật Bản. Đài NHK ngày 1.10 đưa tin với sức gió giật mạnh 216 km/giờ, bão Trami làm bật gốc nhiều cây cối và trụ điện tại nhiều khu vực, khiến cho một loạt tuyến đường sắt của thủ đô Tokyo phải ngưng hoạt động, dẫn tới tình trạng ùn ứ tại nhiều nhà ga ở đây khi người dân đổ xô đi làm. Trên toàn nước Nhật đã có gần 1,3 triệu hộ gia đình không có điện. Các hãng hàng không hủy khoảng 250 chuyến bay trong ngày 1.10. Lũ lụt cũng đã xuất hiện ở một số nơi tại miền tây Nhật Bản, gồm có tỉnh Miyazaki, trong khi tại đảo Hokkaido thuộc miền bắc nước này đã xảy ra lở đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.