Israel huỷ quan hệ với UNESCO vì tranh cãi đền thánh ở Jerusalem

15/10/2016 12:00 GMT+7

Israel đã huỷ bỏ quan hệ với UNESCO sau khi tổ chức này phê chuẩn nghị quyết trong đó phủ nhận mối liên hệ giữa người Do Thái với một khu đền thánh ở Jerusalem.

Khu đền thánh ở Jerusalem được người Do Thái gọi là Núi Đền, còn người Hồi giáo gọi là Haram al-Sharif. Nghị quyết được UNESCO phê chuẩn ngày 13.10 tại thủ đô Paris (Pháp) quy định chỉ sử dụng tên Hồi giáo của khu đền dù nó là nơi thờ phượng linh thiêng của cả người Do Thái và người Hồi giáo, theo The Guardian ngày 14.10.
Ngoài ra, một khu vực thờ phượng linh thiêng thuộc khu đền là Al-Buraq Plaza theo tiếng Ả Rập được viết bình thường trong khi tên theo tiếng Do Thái là Bức tường Than khóc được đặt trong ngoặc kép như để trích dẫn tham khảo.
Nghị quyết sẽ chính thức có hiệu lực từ tuần tới và những từ ngữ được soạn ra sẽ không thể thay đổi. Người Israel và nhiều người Do Thái trên thế giới đã coi bản nghị quyết này, vốn do các nước Ả Rập ủng hộ, là minh chứng mới nhất cho định kiến chống Do Thái tại Liên Hiệp Quốc, nơi Israel và đồng minh luôn bị áp đảo về số lượng so với các nước Ả Rập.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trích hành động này là vô lý, theo CNN. Ông nói việc cho rằng Israel không có liên kết với Núi Đền và Bức tường Than khóc cũng giống như nói Vạn lý Trường thành không có liên hệ với Trung Quốc hoặc Ai Cập với Kim tự tháp.
Bộ trưởng Giáo dục Israel Naftali Bennett cũng thông báo sẽ chấm dứt mọi hoạt động đối với tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên Hiệp Quốc UNESCO. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cũng chỉ trích hành động của UNESCO về nghị quyết mang tính chính trị này.
Israel chiếm giữ phía đông Jerusalem, vị trí của khu Núi Đền trong cuộc chiến tranh năm 1967. Đây là khu đền linh thiêng nhất của người Do Thái và Cơ Đốc và là nơi linh thiêng thứ ba của người Hồi giáo, sau thánh địa Mecca và Medina ở Ả Rập Xê Út. Palestine thì cho rằng vùng đất này là một phần lãnh thổ của nhà nước tương lai, và số phận của khu đền là một trong những vấn đề dai dẳng nhất trong cuộc xung đột hành thập niên tại khu vực, theo The Guardian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.