Kế hoạch kìm hãm IS bất thành của al-Qaeda

11/12/2016 09:29 GMT+7

Vụ bắt giữ một chỉ huy al-Qaeda được giao sứ mệnh “chỉnh huấn” chi nhánh nổi loạn tại Iraq đã tạo điều kiện cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng trỗi dậy.

Vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 16.10.2006, điện thoại tại Phòng chống buôn lậu và tội phạm có tổ chức thuộc Sở Cảnh sát thành phố Gaziantep, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, đổ chuông inh ỏi. Người gọi điện không cho biết tên nhưng cung cấp một thông tin không thể bỏ qua. Đó là “một số người Iran” sử dụng hộ chiếu giả đang di chuyển qua Gaziantep đến thị trấn Kilis sát biên giới với Syria trên chiếc xe mang biển số 79 M 0064.
Tối cùng ngày, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn chiếc xe trên và tạm giữ 2 người đàn ông, 1 phụ nữ và 4 trẻ em. Người cầm đầu nhóm ban đầu khai mình là người Iran tên Muhammet Reza Reanjbar Rezaei, khớp với tên trên hộ chiếu. Tuy nhiên sau khi phát hiện những điểm đáng ngờ, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường thẩm vấn và người này thừa nhận “tên thật” là Abdulrahman bin Yar Muhammad, quốc tịch Afghanistan và đang trên đường đến châu Âu xin tị nạn. Sau cùng, ông ta còn xin ở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau đó, giới chức Ankara tiếp tục mở rộng điều tra và phát hiện đối tượng thực chất là Abd al-Hadi al-Iraqi, chỉ huy của al-Qaeda. Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng giao al-Iraqi cho Mỹ và người này đang bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo.
Vụ bắt giữ al-Iraqi được ca ngợi là thành quả lớn của lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Mỹ trong chiến dịch chống Hồi giáo cực đoan. Tuy vậy, chuyên san Foreign Policy mới đây dẫn nhiều nguồn tin cho biết đây cũng là bước ngoặt “định mệnh” trong quá trình ra đời của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tác oai tác quái hiện nay.
IS tuyên bố thành lập “nhà nước” vào năm 2014 nhưng mục tiêu điên cuồng của tổ chức này đã manh nha từ lâu, ngay từ khi còn là chi nhánh của al-Qaeda tại Iraq. Ngày 5.10.2006, các tay súng al-Qaeda tại Iraq tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI), tiền thân của IS, mà không hề “thỉnh thị” các thủ lĩnh tại Afghanistan và Pakistan. Đây bị coi là hành động thách thức nghiêm trọng và al-Iraqi nhận nhiệm vụ đến Iraq để tái lập sự kiểm soát của “trung ương”.

tin liên quan

Gần 2.000 tay súng IS đổ về châu Âu
EU đang trong tình trạng báo động sau khi tin tức tình báo cho thấy ít nhất 1.750 thành viên IS đã quay về châu Âu với âm mưu tấn công khủng bố.
Ân oán nhiều năm
Abd al-Hadi al-Iraqi Reuters
Abd al-Hadi al-Iraqi vốn là người Kurd, xuất thân từ thành phố Mosul của Iraq và từng phục vụ quân đội nước này trong cuộc chiến tranh 8 năm với nước láng giềng Iran. Ông ta sang Pakistan rồi Afghanistan vào thập niên 1990, gia nhập al-Qaeda và nhanh chóng thăng tiến. Tháng 6.2001, người này được chọn vào Ủy ban Tham vấn al-Qaeda, nhóm cố vấn thân cận gồm 10 thành viên của thủ lĩnh Osama bin Laden.
Chuyên san Long War Journal dẫn thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết al-Iraqi được cả bin Laden và phó tướng Ayman al-Zawahiri tin cậy. Sau vụ tấn công ngày 11.9.2001, al-Iraqi trở thành tư lệnh al-Qaeda tại miền bắc Afghanistan và chỉ huy nhiều đợt tấn công đẫm máu nhằm vào lực lượng Mỹ. Ông ta cũng đóng vai trò lớn trong kế hoạch bành trước của al-Qaeda sang Iraq.
Cùng khoảng thời gian này, al-Qaeda tìm cách thâu nạp Abu Musab al-Zarqawi, người Jordan và là cha đẻ của IS sau này. Khi đó, al-Zarqawi là thủ lĩnh của tổ chức cực đoan al-Tawhid wal-Jihad hoạt động mạnh tại Iraq. Al-Qaeda đã giúp al-Zarqawi thiết lập một trại huấn luyện ở Afghanistan nhưng ông ta không chịu cam kết trung thành với bin Laden.
Chính al-Iraqi là một trong những đại diện quan trọng của al-Qaeda trong quá trình đàm phán, thu phục al-Zarqawi nhưng cũng chính từ giai đoạn này, giữa 2 người đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn.
Theo Foreign Policy, al-Iraqi từng từ chối viện trợ tài chính cho đến khi al-Zarqawi công khai tuyên bố thần phục bin Laden. Người này cũng cảnh báo nhóm của al-Zarqawi không được kích động giết chóc giữa những người Hồi giáo. Trong khi đó, al-Zarqawi đã nhiều lần nói thẳng chiến lược của mình ở Iraq là kích động chiến tranh giáo phái. Ông ta tuyên bố sẽ lấy mạng các thủ lĩnh tôn giáo và lãnh đạo chính trị người Hồi giáo dòng Shiite.
Dù phản đối chiến lược tàn bạo của al-Zarqawi nhưng do khoảng cách địa lý và trở ngại về thông tin liên lạc, al-Iraqi không nắm rõ tình hình tại Iraq. Trong một thời gian dài, người này nhiều lần ngỏ ý đích thân đến nước này để “hỗ trợ cuộc thánh chiến”. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, al-Zarqawi cương quyết cự tuyệt lo ngại al-Iraqi đe dọa vị thế của mình tại Iraq.
Đến tháng 10.2004, để có được nguồn tiền dồi dào từ al-Qaeda, al-Zarqawi chấp nhận tuyên thệ trung thành với bin Laden và đổi tên nhóm của mình thành al-Qaeda tại Iraq (AQI). Tuy nhiên, ông ta vẫn khẳng định với những người thân tín rằng quyết định này chỉ nhằm “thể hiện tôn trọng với những bằng hữu ở al-Qaeda hiểu chiến lược của mình”.

tin liên quan

Ông Obama: Chống khủng bố cần liên minh, tránh hứa suông
Trong bài phát biểu được cho là nhằm gửi thông điệp tới người kế nhiệm Donald Trump, Tổng thống Barack Obama ngày 6.12 nhấn mạnh cuộc chiến chống khủng bố muốn thành công cần có những liên minh, tránh “hứa suông”.
Đâm sau lưng?
Vào tháng 7.2005, phó tướng al-Qaeda al-Zawahiri gửi thư cảnh báo AQI không gây thù oán với người dân Iraq và “tránh giết chóc”. Lá thư này lọt vào tay điệp viên Mỹ và được Giám đốc Tình báo quốc gia John Negroponte công bố vào tháng 9.2005. Tuy nhiên, AQI vẫn tự tung tự tác và đến tháng 11, bất hòa giữa “trung ương” và al-Zarqawi biến thành khủng hoảng khi các tay súng AQI đánh bom 3 khách sạn ở thủ đô Amman của Jordan, khiến hơn 60 người chết.
Sau đó al-Qaeda ra lệnh cho al-Zarqawi dừng mọi hoạt động bạo lực bên ngoài Iraq và tập trung là cải thiện sự phối hợp với bộ chỉ huy đầu não.
Trước nhiều sức ép, cuối cùng, al-Zarqawi tỏ ra lắng nghe và vào tháng 1.2006, ông ta tuyên bố thành lập một liên minh giữa các nhóm thánh chiến Iraq mang tên Hội đồng Jihad Shura (MSC) nằm dưới sự chỉ huy của al-Qaeda. MSC chỉ định một người Iraq làm thủ lĩnh và al-Zarqawi đồng ý giảm phô trương thanh thế.
Tuy nhiên, MSC chỉ là vỏ bọc che mắt, thực chất al-Zarqawi vẫn nuôi ý định ly khai. Sau đó, al-Qaeda ban hành tuyên bố kêu gọi “loại bỏ mọi lực cản đối với tiến trình hợp nhất”, hàm ý nhằm vào al-Zarqawi. Trong thư, các thủ lĩnh al-Qaeda cũng thông báo cử “một người anh em đáng kính và là thủ lĩnh tài đức” đến Iraq. Liền sau đó al-Iraqi được cử đến Iraq để đưa al-Zarqawi vào khuôn phép.
Al-Zarqawi bị tiêu diệt vào tháng 6.2006 trong một vụ không kích của Mỹ và vai trò thủ lĩnh AQI về tay một người Ai Cập tên Abu Hamzah Muhajir. Dù có quan hệ lâu năm với al-Qaeda, Muhajir vẫn tiếp tục xu hướng đưa AQI rời xa al-Qaeda. Ngày 15.10.2006, MSC thông báo giải thể để các nhóm thành viên gia nhập tổ chức mới là ISI. Lúc này, al-Qaeda thật sự nổi giận và thúc giục al-Iraqi tăng tốc đến Iraq để nhanh chóng ra tay dập tắt mọi ý đồ tạo phản.
Tuy vậy, như đã đề cập, al-Iraqi đã bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ và ISI không còn chịu bất cứ kiềm tỏa nào. Vì thế, nhiều chuyên gia nghi ngờ người gọi báo tin cho cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ có thể là thành viên ISI nhằm loại bỏ chướng ngại trên con đường trỗi dậy.
Trong năm 2010, Muhajir và một thủ lĩnh khác lần lượt bị tiêu diệt. Ghế thủ lĩnh về tay Abu Bakr al-Baghdadi và người này đưa ISI bành trướng dữ dội, chiếm đất xưng vương tại Iraq và Syria để rồi cho ra đời “con quái vật” mang tên IS như ngày nay. Tháng 9.2015, al-Zawahiri, vốn trở thành thủ lĩnh tối cao của al-Qaeda sau cái chết của bin Laden năm 2011, chính thức tuyên chiến với IS khi công khai gọi al-Baghdadi là “tên nổi loạn” đồng thời chỉ trích những hành động tàn sát, xử tử dã man của IS là gây tổn hại đến hình ảnh của các “chiến binh thánh chiến”.
IS đối đầu Taliban
Ngoài al-Qaeda, lực lượng Taliban hiện cũng đã đối đầu trực tiếp IS và ra sức ngăn cản mưu đồ vươn vòi sang Afghanistan và Pakistan của nhóm này. Hãng tin Sputnik dẫn các nguồn tin địa phương tiết lộ 2 phe đụng độ ác liệt tại nhiều tỉnh thành của Afghanistan, dữ dội nhất là khu vực miền đông.
Tương tự, giới sĩ quan thuộc lực lượng NATO ở Afghanistan tiết lộ IS tiến hành nhiều trận tấn công nhằm chiếm quyền kiểm soát vùng biên giới với Pakistan. Đây là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Taliban lẫn al-Qaeda và là nơi nhiều thủ lĩnh cấp cao của 2 nhóm đang ẩn náu.
Hồi cuối năm 2015, tờ The New York Times còn đưa tin đích thân lãnh đạo tối cao Taliban Mullah Mansour đã chỉ huy “đội đặc nhiệm” bao vây tiêu diệt Mullah Dadulla, kẻ cầm đầu một phân nhóm muốn đi theo IS. Nhiều nguồn tin tiết lộ nhóm này đã nhận lệnh từ al-Baghdadi tìm cách ám sát Mansour nhưng không thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.