Kế hoạch xây đảo bao vây Mỹ của Liên Xô

15/08/2016 09:39 GMT+7

Các nhà hoạch định quân sự Liên Xô từng đưa ra kế hoạch lập chuỗi căn cứ tên lửa đạn đạo ở ngoài khơi bờ biển Mỹ nhằm uy hiếp Washington.

Trong bài viết mới được đăng trên tờ báo Svobodnaya Pressa, nhà báo chuyên về quân sự Nga Vitaly Karyukov tiết lộ rằng thời Chiến tranh lạnh, lãnh đạo Liên Xô từng cân nhắc về kế hoạch xây chuỗi căn cứ tên lửa hạt nhân ở ngoài khơi bờ biển nước Mỹ.
Ông viết: “Năm 1959, thời điểm cao trào của cuộc cạnh tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã được cấp dưới trình bày một kế hoạch táo bạo, cho phép Moscow dễ dàng áp sát Washington”.
Vòng kim cô hạt nhân
Theo nhà báo Karyukov, kế hoạch được vạch ra dựa trên sự hiện diện của nhiều bãi ngầm nằm rất gần Mỹ tại Thái Bình Dương lẫn Đại Tây Dương. Sau khi phân tích các dữ liệu trên cùng nhiều thông tin khác, một nhóm các nhà hoạch định quân sự Liên Xô được gọi là Miroshnikovs hồi năm 1959 đã trình bày một kế hoạch được cho là không tưởng lên lãnh đạo Khrushchev: xây hơn 20 hòn đảo nhân tạo để thiết lập các căn cứ tên lửa, qua đó tạo vòng kim cô hạt nhân bao vây Mỹ.
“Theo kế hoạch, chi phí thiết lập các căn cứ trên mực nước biển này sẽ không quá đắt - tầm một triệu ruble. Trong khi đó, mỗi vụ phóng tên lửa thời đó đã ngốn ngân sách chính phủ tới nửa tỉ ruble”, ông Karyukov cho biết.
Sáng kiến trên nghe có vẻ hấp dẫn song cũng đặt ra nhiều thách thức. Đầu tiên, cần phải xây dựng các hòn đảo nhân tạo cùng một lúc nhằm đề phòng trường hợp khi phát hiện Liên Xô bắt đầu xây hòn đảo nhân tạo đầu tiên, người Mỹ sẽ ngay lập tức nhảy vào tuyên bố chủ quyền số đảo còn lại. Nắm được vấn đề này, các nhà hoạch định quân sự Liên Xô đã đề xuất tạo dựng các đảo nhân tạo trong chỉ một ngày.
Thách thức thứ hai là Mỹ có thể chỉ cần đánh bom các quần đảo nhân tạo. Điều này có thể xảy ra vì Mỹ nằm ngay sát bên, trong khi Liên Xô cách xa đó hàng ngàn ki lô mét nên khó xử lý kịp. Vì vậy đề xuất được đưa ra là củng cố sức mạnh quân sự cho các căn cứ này càng nhanh càng tốt, biến chúng thành các công sự hiệu quả.
Về cơ bản, các hoạt động thiết lập căn cứ tên lửa sẽ diễn ra như sau: một hòn đảo chưa được tuyên bố chủ quyền sẽ xuất hiện trên mặt nước gần Mỹ và Liên Xô sẽ nhanh tay cắm quốc kỳ. Hòn đảo này cùng toàn bộ vùng lãnh hải trong vòng 12 hải lý quanh nó sẽ được tuyên bố là lãnh thổ của Liên Xô. Đến khi Mỹ nắm bắt được vấn đề thì Liên Xô đã lắp đặt xong hệ thống tên lửa tại đảo. Ngoài tên lửa, Liên Xô sẽ có thể xây dựng các sân bay, căn cứ tàu ngầm, bến tàu... Để tránh gây sự chú ý cho nước thù địch, các chuyên gia tên lửa Liên Xô sẽ cải trang thành ngư dân đến làm việc tại đây.
Át chủ bài đối phó Mỹ
Theo nhà báo Karyukov, các nhà hoạch định Liên Xô đưa ra kế hoạch xây tên lửa ngay sát Mỹ với mong muốn họ có thể chiếm quyền chủ động trong trường hợp xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân với Washington. Dễ dàng thấy rằng vào thời điểm đó (những thập niên 1950 và 1960), Liên Xô nằm trong vòng vây của hàng chục, thậm chí hàng trăm căn cứ của Mỹ và NATO, bao gồm sân bay, bệ phóng tên lửa, hệ thống radar cùng nhiều cơ sở quân sự khác. Với kế hoạch xây căn cứ tên lửa bao vây lại Mỹ, lãnh đạo Khrushchev có thể gây sức ép lên Washington.
Tuy nhiên, nhà báo Karyukov cho biết rất khó dự đoán được phản ứng của Mỹ một khi phát hiện ra các căn cứ. Nhà báo Karyukov dẫn chứng: “Nhìn chung thì ngay cả trong trường hợp của Cuba sau này, Washington biết rằng Moscow đứng sau hậu thuẫn Havana và đã lao vào một cuộc đối đầu trực tiếp (với Liên Xô). Các chiếc máy bay do thám của Mỹ đã không ngần ngại xâm phạm không phận Cuba ngay sau khi tên lửa của Liên Xô được phát hiện tại đây. Nên không loại trừ khả năng Mỹ sẽ ngay lập tức tìm cách san bằng mọi hòn đảo nhân tạo lạ xuất hiện trên vùng biển gần mình”.
Ngoài ra, một khi biết Liên Xô bí mật thiết lập các căn cứ tên lửa, Mỹ sẽ triển khai hạm đội tàu chiến ngăn chặn các tàu chở tên lửa đến đây, như từng xảy ra trong Chiến dịch Anadyr.
Cụ thể, sau khi phát hiện Liên Xô bí mật xây căn cứ tại Cuba, cả hạm đội của Mỹ đã được triển khai để chặn tàu chở vũ khí ngụy trang và tàu ngầm của Liên Xô trên đường tới Cuba. Do đó, khả năng tạo dựng đảo nhân tạo trong các đại dương dường như phải xem lại. Đầu tiên, Mỹ sẽ không cho phép tàu Liên Xô tiếp cận các đảo. Sau đó sẽ nhanh chóng điều tàu ngầm bao vây các hòn đảo nhân tạo, theo ông Karyukov.
Vậy điều gì đã xảy ra với kế hoạch của Miroshnikovs? Trong phản hồi chính thức được Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô Vasily Danilovich Sokolovsky ký, giới lãnh đạo Liên Xô cho rằng kế hoạch của các nhà hoạch định quân sự xa vời so với tình hình kinh tế, chính trị, quân sự và thậm chí thực tế về kỹ thuật lúc bấy giờ. Do đó, dự án của Miroshnikovs được coi là “không đáng xem xét”.
Tuy nhiên, vài năm sau đó, lãnh đạo Khrushchev có vẻ như đã quyết định sử dụng lại ý tưởng đặt tên lửa ngay trước mũi kẻ thù. Bằng chứng là Liên Xô bí mật xây các căn cứ trên đất Cuba vào năm 1962 để triển khai một số tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung có khả năng bắn trúng các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ, góp phần đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.