Khi tội ác được nhìn nhận khác nhau

17/10/2009 23:47 GMT+7

Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền LHQ về Trung Đông cho thấy những khác biệt vô cùng to lớn trong quan niệm đâu là tội ác.

Chiến tranh Gaza lại trở thành chủ đề thời sự nóng bỏng sau khi Thẩm phán Richard J.Goldstone dẫn đầu một ủy ban của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) điều tra các hành động phi pháp trong cuộc xung đột đó và đưa ra bản báo cáo của mình. Báo cáo cho biết có bằng chứng rằng Israel và lực lượng Hamas đã phạm tội ác chiến tranh. 

Văn kiện đính kèm báo cáo của LHQ nêu rõ: “Bản báo cáo kết luận rằng có chứng cứ cho thấy Israel đã vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế trong suốt cuộc xung đột Gaza; Israel đã có hành động gây tội ác chiến tranh, và có thể là tội ác chống lại loài người. Báo cáo cũng kết luận rằng có chứng cứ cho thấy các tổ chức vũ trang Palestine đã phạm tội ác chiến tranh, cũng như có thể phạm tội ác chống lại loài người, trong hoạt động nã rốc-két liên tục vào miền nam Israel”.

Hôm 16.10, UNHRC đã thông qua nghị quyết tán thành báo cáo của Thẩm phán Goldstone và kêu gọi điều tra các hành động mà bản báo cáo kết luận là tội ác. Có 25 nước bỏ phiếu thuận; 6 nước bỏ phiếu chống; 11 nước bỏ phiếu trắng và 5 nước không bỏ phiếu. Trong số 5 thành viên thường trực HĐBA thì Nga và Trung Quốc thuận, Mỹ chống, Pháp và Anh không bỏ phiếu. Mỹ và Israel sau đó đã lên án nghị quyết, theo BBC.

Những diễn biến trước, trong và sau cuộc bỏ phiếu cho thấy các nước không bất đồng về kết luận “các lực lượng vũ trang Palestine phạm tội ác chiến tranh” mà bất đồng trước các kết luận chống lại Israel.

Chiến tranh Gaza nổ ra vào ngày 27.12.2008, khi Israel huy động gần 180.000 quân với sự yểm trợ của máy bay, xe tăng, pháo hạng nặng, tàu chiến tấn công Dải Gaza để trả đũa các đợt nã rốc-két của Hamas. Sau khi cuộc chiến kết thúc vào ngày 18.1.2009, số liệu thống kê cho thấy có khoảng hơn 1.100 - 1.400 người Palestine và 13 người Israel thiệt mạng, trong đó chủ yếu là dân thường.

Từ đó đến nay, đã có nhiều cáo buộc bên này hay bên kia phạm tội ác chiến tranh. Giới chức Israel thì một mực nói rằng họ không vi phạm luật pháp quốc tế và rằng sẽ không điều tra về tội ác chiến tranh. Với báo cáo của Thẩm phán Goldstone, lần đầu tiên một cơ quan của LHQ đã có kết luận của mình. Không thể chỉ xem báo cáo của vị thẩm phán Nam Phi mà kết luận Israel và Hamas phạm tội ác chiến tranh, nhưng điều tra và làm rõ vấn đề là cần thiết.

Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu đã cho thấy các nước nhìn nhận rất khác nhau về vấn đề này, nước ủng hộ Israel thì chống, nước không ủng hộ Israel thì thuận, còn những nước “bí” thì bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu. Với kết cục trên, nếu nghị quyết được đưa ra HĐBA thì kết quả cũng sẽ chẳng đi đến đâu, vì chắc chắn Mỹ sẽ phủ quyết.

Xung đột ở Trung Đông là câu chuyện dài và một nền hòa bình là ước mơ đau đáu của người dân nơi đây cũng như toàn nhân loại. LHQ cùng các nước lớn như Mỹ, Pháp, Anh... luôn nhấn mạnh quyết tâm tìm giải pháp để mang lại hòa bình cho miền đất này. Tuy nhiên, một khi mà tội ác chiến tranh, hay chính xác hơn là những cáo buộc về tội ác chiến tranh, không được làm rõ, thì cam kết hòa bình chỉ là những lời hứa suông.

Một nền hòa bình đích thực chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng công lý. 

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.