Làn sóng khởi nghiệp ở Ấn Độ

25/02/2017 14:30 GMT+7

Giới trẻ Ấn Độ ngày nay có xu hướng dấn thân vào con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hơn là tìm công việc ổn định.

Ấn Độ hiện có khoảng 4.750 công ty khởi nghiệp công nghệ, đứng hàng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Anh, theo Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Ấn Độ Nasscom.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Nirmala Sitharaman cũng khẳng định nước này là quốc gia khởi nghiệp trẻ nhất thế giới với 72% nhà sáng lập các công ty có độ tuổi dưới 35. Hiện Nasscom dự báo xu hướng giới trẻ Ấn Độ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp tục tăng tốc và ước tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 200.000 - 250.000 người làm việc trong các công ty dạng này.
Sản phẩm toàn cầu
Tại vườn ươm khởi nghiệp Startup Warehouse của Nasscom ở thành phố Bangalore, hàng trăm thanh niên Ấn Độ miệt mài làm việc với ước mơ trở thành một Steve Jobs hay Mark Zuckerberg thứ hai. Họ phát triển đủ loại sản phẩm từ robot, ứng dụng điện thoại di động cho đến thiết bị thông minh trong nhà bếp và máy pha chế rượu, theo AFP.
Điển hình là trường hợp Vikram Rastogi. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, anh không lựa chọn con đường tìm công việc để ổn định cuộc sống mà quyết định thành lập Công ty Hacklab.in, đặt văn phòng trong Startup Warehouse. Rastogi chia sẻ anh có ý tưởng khởi nghiệp sau khi tham quan vườn ươm công nghệ nổi tiếng của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ vào năm 2014.
“Tôi nhìn thấy nhiều thiết bị công nghệ đang được phát triển tại MIT. Chúng tôi cũng có thể làm ra những thiết bị như vậy ở Ấn Độ. Vì thế tôi quyết định thành lập Hacklab.in để có thể sản xuất những sản phẩm toàn cầu”, AFP dẫn lời Rastogi tự hào nói.
Hiện công ty đang tiến hành nhiều dự án khác nhau từ xe lăn thông minh, robot sơn tường tự động cho đến hệ thống nhà thông minh. Tuy nhiên, con đường vươn tới những sản phẩm toàn cầu không hề bằng phẳng. “Khi công ty vừa thành lập, nhiều người đã gia nhập với những ý tưởng rất đột phá. Tuy nhiên qua thời gian, một số người đã phải bỏ cuộc do áp lực từ gia đình buộc họ phải có việc làm với mức lương ổn định”, Rastogi cho biết.
Thế hệ mới
Chia sẻ của Rastogi thể hiện một trong những rào cản lớn đối với tinh thần khởi nghiệp tại Ấn Độ. Kỳ vọng của những bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu tại nước này là con mình tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định để xây dựng gia đình. Nếu nhà có điều kiện hơn thì sang Mỹ hoặc Anh du học rồi tìm việc ở nước sở tại.
Tuy nhiên, AFP dẫn lời chuyên gia Sylvia Veeraraghavan nhận định ngày càng có nhiều bạn trẻ muốn vượt qua rào cản truyền thống này. “Đối với tôi và những người thuộc thế hệ của tôi, tìm được công việc ổn định là điều tối quan trọng. Nhưng giới trẻ thời nay không còn bị giới hạn bởi quan điểm này. Họ rất sáng tạo và đầy trí tưởng tượng”, bà Veeraraghavan nói.
Bà kể thêm, vào thập niên 1990, Bangalore là nơi quy tụ những doanh nghiệp công nghệ phương Tây muốn tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ và có trình độ cao của Ấn Độ. Nhưng giờ đây thành phố này được mệnh danh là Thung lũng Silicon bên sông Hằng và trở thành một trong những thủ đô khởi nghiệp của thế giới.
Để đạt được thành quả này phải kể đến nỗ lực ươm mầm của chính phủ Thủ tướng Narendra Modi. Ngay từ năm 2014, chính phủ đã cho lập Bộ Phát triển kỹ năng và doanh nghiệp (MSDE), thường được gọi nôm na là “Bộ khởi nghiệp”, nhằm hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp.
Năm ngoái, Thủ tướng Modi cũng cho áp dụng nhiều chính sách ưu đãi lớn như miễn thuế 3 năm đầu và đưa ra gói hỗ trợ 1,5 tỉ USD, với quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng khởi nghiệp tại Ấn Độ.
Dĩ nhiên, khởi nghiệp là con đường đầy rủi ro. Theo CNN, Snapdeal, doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu Ấn Độ, hôm 23.2 vừa ra thông báo sa thải 600 nhân viên và những người sáng lập quyết định không nhận lương để tái cơ cấu.
Stayzilla, trang web kết nối dịch vụ lưu trú cho khách du lịch lớn nhất nước này, cũng đang lao đao và tỏ vẻ hụt hơi trước những đòn “xâm lược” quyết liệt của đại gia Airbnb, theo trang Tech In Asia.
Trong bức thư gửi nhân viên, các ông chủ của Snapdeal viết: “Sau khi thu hút được những khoản đầu tư khổng lồ cộng thêm tham vọng phát triển nhanh, một công ty có thể bị chệch khỏi giá trị cốt lõi của mình. Điều này đang xảy ra với chúng ta. Chúng ta đã cố làm quá nhiều thứ”.
Trang Quartz dẫn lời các chuyên gia cảnh báo đây là điểm yếu chung của các công ty khởi nghiệp và nếu không có tư duy phát triển bền vững dài hạn, thất bại là khó tránh khỏi một khi doanh nghiệp phát triển vượt tầm kiểm soát của các ông chủ trẻ.
Đó là lý do MSDE vừa đề ra một chương trình quy mô cực lớn, trị giá tới 5 tỉ rupee (hơn 1.700 tỉ đồng) để đào tạo cho thanh niên các kỹ năng và tầm nhìn chiến lược về thành lập rồi phát triển doanh nghiệp một cách bền vững. Theo kế hoạch, đến năm 2021, chương trình sẽ áp dụng tại hơn 3.000 trường đại học, phổ thông, các viện đào tạo nghề… hướng tới 700.000 thanh niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.