LHQ: một nửa dân số Myanmar có thể lâm vào nghèo khổ vào cuối năm

02/05/2021 10:40 GMT+7

Gần một nửa dân số Myanmar có thể bị lâm vào cảnh nghèo khổ vào cuối năm 2021 trước nguy cơ sụp đổ kinh tế vì chính biến và đại dịch Covid -19.

Cảnh báo được Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đưa ra hồi giữa tuần trong bối cảnh Myanmar đang trong cảnh rối ren từ sau cuộc chính biến ngày 1.2, theo CNN.
Theo báo cáo, nếu tình hình kinh tế và an ninh không sớm ổn định, 25 triệu người Myanmar (48% dân số) có thể sống trong cảnh nghèo đói tính đến năm 2022. Con số này được cho là chưa từng xuất hiện từ năm 2005.
Giá cả thực phẩm gia tăng, thu nhập giảm, dịch vụ cơ bản xuống cấp, hệ thống an sinh xã hội không đủ cho người dân có thể đẩy hàng triệu người Myanmar đang trong cảnh khó khăn rơi xuống dưới mức nghèo, chỉ kiếm được 1,1 USD mỗi ngày. Trẻ em và phụ nữ là nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất.

Chiến sự bùng nổ vùng biên giới Myanmar, hàng ngàn người dân sẵn sàng trốn qua Thái Lan

Myanmar đã đạt tiến bộ vững chắc từ khi chuyển tiếp từ chính quyền quân sự sang chính quyền dân sự. Trong 15 năm qua, tỷ lệ người nghèo tại Myanmar giảm từ mức 48,2% vào năm 2005 xuống còn 24,8% và năm 2017.
Tuy nhiên, ước tính 1/3 dân số Myanmar vẫn đang sống với mức thu nhập cực thấp và có thể bị quay lại mức nghèo chỉ sau một cú sốc kinh tế. Một số chuyên gia cho rằng cú sốc này chính là từ đại dịch Covid-19. Cú sốc thứ hai là cuộc chính biến ngày 1.2.

Người Myanmar chạy sang Thái Lan để tránh cuộc xung đột ở quê nhà

Reuters

Những cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 và cuộc chính biến có nguy cơ quét sạch những tiến triển mà Myanmar đạt được trong việc giảm nghèo và số người nghèo tại Myanmar có thể tăng gấp đôi vào năm 2022.
UNDP ước tính chỉ riêng tác động từ Covid-19 đã khiến số người nghèo tại Myanmar tăng từ 24,8% lên thành 36,1%. Nếu những tác động kinh tế xã hội từ cuộc chính biến tiếp tục kéo dài, con số sẽ tăng lên thành 48,2%. “Xét tổng thể, Myanmar đang trên bờ sụp đổ kinh tế và nguy cơ trở thành nhà nước thất bại kế tiếp của châu Á”, UNDP cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.