LHQ vẫn bất đồng về biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên

11/10/2006 14:18 GMT+7

Ngày 10/10, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) tiếp tục các cuộc thảo luận cấp chuyên gia và cấp đại sứ để bàn về những biện pháp đối phó với vụ CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân.

Nội dung thảo luận chủ yếu xoay quanh bản dự thảo nghị quyết gồm 13 điểm do Mỹ đề xuất, trong đó nhấn mạnh tới những biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Phát biểu với báo giới, Đại sứ Nhật Bản Kenzo Oshima, Chủ tịch luân phiên HĐBA tháng 10/2006, cho biết các nước thành viên HĐBA đã có một số quan điểm chung để thúc đẩy tiến trình thảo luận và thông qua dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, ông Ô-si-ma cũng thừa nhận rằng đến thời điểm này, HĐBA vẫn chưa thể thống nhất về nội dung chi tiết gồm những biện pháp đối phó với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Vì vậy, HĐBA cần phải có thêm những cuộc tham vấn ở cấp chuyên gia và đại sứ các nước thành viên để quyết định xem liệu có đề cập tới Chương 7 của Hiến chương LHQ liên quan tới việc sử dụng vũ lực trong nội dung nghị quyết hay không.

Tuy nhiên, giới ngoại giao tại LHQ cho rằng HĐBA sẽ phải mất nhiều ngày để có thể thông qua những biện pháp trừng phạt. Mặc dù nhiều đại sứ các nước lên tiếng ủng hộ hành động cứng rắn với Triều Tiên, song không có ai khẳng định sẽ nhất trí hoàn toàn với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra.

Đại sứ Mỹ tại LHQ John Bolton cho rằng HĐBA cần phản ứng nhanh chóng đối với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, kể cả phải họp cả 24 giờ trên 7 ngày trong tuần. Đại sứ Anh Emyr Jones Parry thì tuyên bố mục tiêu của HĐBA là nhanh chóng đạt tới sự đồng thuận để thông qua dự thảo nghị quyết trong tuần này.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Vương Quang Á nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng ủng hộ "một số hành động trừng phạt mang tính bắt buộc" với Triều Tiên, nhưng những hành động này phải xác đáng. Ông Vương Quang Á khẳng định HĐBA LHQ cần phản ứng kiên quyết, mang tính xây dựng, thích đáng nhưng phải thận trọng.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu tuyên bố Bắc Kinh vẫn không thay đổi chính sách đối với Triều Tiên, mặc dù vụ thử hạt nhân mới đây của Bình Nhưỡng đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.