Lỗ hổng tư vấn khiến Trung Quốc bị động trước Mỹ

Trọng Kha
Trọng Kha
27/10/2018 07:04 GMT+7

Các lãnh đạo Trung Quốc dường như bất ngờ khi sự cứng rắn của Mỹ trong xung đột thương mại trái với nhận định của các cố vấn trong nước.

Trong lúc xung đột thương mại với Mỹ ngày càng khốc liệt, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh dường như đang loay hoay trong việc nhận định tình hình, dự đoán thái độ của Washington và tìm kiếm giải pháp ứng phó. Một trong những lý do cho tình trạng này là phần lớn các tổ chức tư vấn và chuyên gia kinh tế chỉ chăm chăm đưa ra “ý kiến êm tai” và “thông tin chắt lọc” nhằm tránh làm phật lòng cấp trên, các nguồn tin cấp cao và giới quan sát cho hay.
Hồi đầu năm, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu đưa ra lời đe dọa áp thuế, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn tin rằng họ có thể thuyết phục đối tác không phát động đối đầu thương mại. Từ ý kiến của các cơ quan tư vấn, họ cho rằng Tổng thống Trump chỉ là “một nhà lãnh đạo bốc đồng” và sẽ dễ dàng hài lòng khi Trung Quốc mua thêm hàng hóa của Mỹ hoặc tình hình sẽ dịu đi sau cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ ở Mỹ, tờ Politico dẫn nguồn tin tại Mỹ và Trung Quốc tiết lộ. Tâm lý này tiếp tục kéo dài cho đến khi Tổng thống Trump ra lệnh áp thuế 25% với gần 50 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc hồi đầu tháng 7 rồi liên tiếp tung ra các đòn đánh mới, chẳng hạn như rút khỏi Liên minh Bưu chính thế giới nhằm gây khó dễ cho hoạt động thương mại điện tử toàn cầu của đối phương. “Phía Trung Quốc hoàn toàn hiểu sai tình thế. Theo tôi, đây là hậu quả của việc không ai dám nói với các lãnh đạo ở Bắc Kinh rằng chúng ta đã sai lầm”, một cựu cố vấn chính sách của Mỹ nói.
[VIDEO] Tổng thống Trump áp thuế, xuất siêu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn cao kỷ lục
Khi tình hình ngày càng nghiêm trọng, Bộ Tài chính Trung Quốc vội vã thành lập liên minh 20 tổ chức tư vấn để tăng cường năng lực nghiên cứu, đề xuất chính sách đáp trả Mỹ. Liên minh gồm các cơ quan tư vấn hàng đầu đến từ Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia, Bộ Thương mại, Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và một số trường đại học. Tuy nhiên, tình hình có vẻ vẫn chưa được cải thiện khi các chuyên gia đưa ra những lời khuyên dè dặt, chủ yếu để phục vụ lợi ích cho những bộ ngành hậu thuẫn cơ quan của họ và không để ảnh hưởng nguồn ngân sách hoạt động. “Bè phái và chỉ phục vụ cấp trên trực tiếp là vấn đề kinh niên trong các cơ quan tư vấn của Trung Quốc”, Giáo sư Lý Trung Thường thuộc Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh nói với tờ South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông). Theo tờ này, Trung Quốc hiện có hơn 500 tổ chức tư vấn, hầu hết trực thuộc bộ hoặc cơ quan ngang bộ.
Mặt khác, việc tăng cường định hướng và quản lý trong nghiên cứu cũng bị cho là nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia nhà nước không còn xem trọng chất lượng thông tin, miễn sao có báo cáo “đẹp và phù hợp về chính trị”. “Nhiều chuyên gia chỉ ngồi trước màn hình máy tính, không bao giờ ra thực địa. Không ai có thể dựa vào những nghiên cứu đó để xử lý thực tiễn”, ông Lý Quốc Cường thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc chỉ trích. Chuyên gia Vương Huy Diệu, nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và toàn cầu hóa thuộc liên minh nói trên, thì chỉ ra một bất cập khác là giới hạn về ra nước ngoài của giới nghiên cứu. Theo quy định, các chuyên gia chính sách nước này chỉ được phép thăm Mỹ trong thời gian ngắn, có khi chỉ một tuần. Điều này khiến việc tìm hiểu kỹ lưỡng chính sách của Washington và đối thoại sâu rộng với phía Mỹ trở thành nhiệm vụ bất khả thi, theo SCMP.
[VIDEO] Dù có chiến tranh thương mại, sức mua đồ hiệu của người Trung Quốc vẫn cao
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.