Lý do đằng sau việc Ai Cập mua máy bay của Pháp

16/02/2015 15:53 GMT+7

(TNO) Bỏ ra 5,9 tỉ USD cho dàn máy bay chất lượng nhưng 'không thực sự cần thiết', Ai Cập đang có điều gì đó cần chứng minh với... Mỹ, tạp chí Time có trụ sở tại New York phân tích.

(TNO) Bỏ ra 5,9 tỉ USD cho dàn máy bay chất lượng nhưng “không thực sự cần thiết”, Ai Cập đang có điều gì đó cần chứng minh với... Mỹ, tạp chí Time có trụ sở tại New York phân tích.

Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 12.2 xác nhận bán 24 chiếc máy bay chiến đấu Rafale cho Ai Cập. Bộ trưởng Quốc phòng của Pháp đến Cairo để hoàn tất bản hợp đồng có giá trị khoảng 5,9 tỉ USD này, tạp chí Time cho hay.
Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp - Ảnh: Reuters
Trong bài viết ngày 14.2, tờ Time lập luận rằng động thái tăng cường máy bay của Ai Cập có ý nghĩa lớn hơn so với một bản hợp đồng thông thường. Và việc Ai Cập bỏ ra số tiền lớn mua máy bay của Pháp rất “đáng ngạc nhiên”.
Thứ nhất, Rafale dù được đánh giá thuộc hàng máy bay “tinh vi bậc nhất trên thị trường”, nhưng thực tế đã 20 năm qua Pháp chưa thể đưa mặt hàng này ra quốc tế vì... không ai mua. Trước đó, nhà sản xuất Dassault Aviation đã đàm phán thất bại với các khách hàng như Brazil, Libya, Morocco và Thụy Sĩ.
Thứ hai, có vẻ như Ai Cập đang “lãng phí” tiền bạc vào Rafale. Việc Ai Cập thực hiện kế hoạch đẩy mạnh quân sự để chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như các vấn đề an ninh khác nhau, và chuyện mua thiết bị là bình thường. Tuy nhiên, tờ Time dẫn ra thực tế rằng Ai Cập không quá cần thiết phải mua Rafale, vì cơ bản họ đã là nước sở hữu lực lượng không quân lớn nhất châu Phi. Các chuyên gia cho rằng cái thiếu của Ai Cập nằm ở chất lượng đội ngũ phi công chứ không phải thiết bị.
Thứ ba, tờ Time cho rằng tình hình kinh tế Ai Cập vốn bất ổn từ sau vụ lật đổ nhà độc tài Hosni Mubarak năm 2011, hiện tại không “sáng sủa” để đầu tư như vậy.
Với những khó khăn và các chi tiết bất hợp lý ấy, tại sao Ai Cập vẫn mua máy bay của Pháp? Câu trả lời có thể xuất phát từ... Mỹ.
Trước đây, Mỹ vẫn là đối tác quen thuộc của Ai Cập trong lĩnh vực quốc phòng. Washington dành 1 tỉ USD mỗi năm viện trợ quân sự cho Ai Cập, đổi lại nước này phải ưu tiên mua thiết bị chiến đấu, phòng thủ từ Mỹ.
Nhưng từ năm 2013, Mỹ đã cắt nguồn tài trợ này sau khi Ai Cập lật đổ Tổng thống dân cử Mohamed Morsi và đàn áp tổ chức Muslim Brotherhood của cộng đồng hỗ trợ Hồi giáo, Time nói. Mối quan hệ giữa Cairo và Washington theo đó xấu đi trông thấy. 
Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi của Ai Cập muốn thoát khỏi sự lệ thuộc quân sự vào Mỹ - Ảnh: Reuters
Trước khi có động thái thương thảo mua máy bay của Pháp, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi của Ai Cập đã gặp gỡ người đồng cấp Vladimir Putin của Nga để bàn kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Có thể thấy, thông qua việc xác lập quan hệ đối tác với Nga và Pháp, Ai Cập muốn chứng minh rằng họ không hoàn toàn dựa vào Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.