Mở lại vụ sát hại cả gia đình sa hoàng cuối cùng của Nga

29/09/2015 08:24 GMT+7

Nga quyết định khai quật di hài của sa hoàng cuối cùng Nicholas II và hoàng hậu Alexandra trong nỗ lực lật lại vụ thảm sát đẫm máu hoàng tộc Romanov vào năm 1918.

Nga quyết định khai quật di hài của sa hoàng cuối cùng Nicholas II và hoàng hậu Alexandra trong nỗ lực lật lại vụ thảm sát đẫm máu hoàng tộc Romanov vào năm 1918.

Toàn bộ gia đình của sa hoàng cuối cùng của Nga đều bị xử tử trong cùng một căn phòng - Ảnh: Viện Lưu trữ Quốc gia NgaToàn bộ gia đình của sa hoàng cuối cùng của Nga đều bị xử tử trong cùng một căn phòng - Ảnh: Viện Lưu trữ Quốc gia Nga
Phát biểu trên Đài phát thanh Echo of Moscow, nhà điều tra hàng đầu của Nga Vladimir Solovyov cho hay nhóm của ông đã lấy mẫu ADN từ hài cốt của hai vợ chồng sa hoàng cuối cùng của nước này, cũng như mẫu vật liệu di truyền từ người ông là sa hoàng Alexander II, bản thân cũng bị ám sát chết vào năm 1881.
“Chúng tôi quyết định triển khai cuộc điều tra lại từ đầu”, theo ông Solovyov. Theo AFP, Ủy ban Điều tra liên bang Nga đã xác nhận một số hài cốt của gia đình sa hoàng được tái thẩm định nhằm đưa ra kết luận mới nhất về “những tình huống xung quanh cái chết cũng như việc chôn cất gia đình hoàng gia”.
Sa hoàng Nicholas II, hoàng hậu, 5 người con và những người hầu cận đều bị xử bắn đồng loạt khi phong trào Bolshevik tại Nga lên đến đỉnh điểm. Xác của họ bị quẳng xuống một đường hầm dẫn đến mỏ trước khi bị đốt và lấp vội vã. Phải đợi đến năm 1991, chính quyền Moscow mới bắt đầu mở lại vụ án này sau khi một ngôi mộ tập thể đã được tìm thấy gần Yekaterinburg ở vùng núi Ural, nơi đôi vợ chồng hoàng gia và 5 con sống lưu vong trước khi bị xử tử. Các nhà khoa học cho hay lúc đó đã thu thập đủ chứng cứ về ADN để kết luận rằng đây là mồ chôn hài cốt của sa hoàng, hoàng hậu cùng với 3 công chúa. Đến năm 1998, Nga chính thức trả lại tên cho họ, và tổ chức lễ chôn cất long trọng ở Saint Petersburg.
Gần 10 năm sau, một ngôi mộ thứ hai được khai quật ở một vị trí khác, chứa 2 bộ hài cốt, được cho là thuộc về thái tử Alexei và nữ đại công tước Maria, lần lượt mới 13 và 19 tuổi khi bị giết hại. Tuy nhiên, những bộ hài cốt này cho đến nay vẫn được bảo quản tại Viện Lưu trữ quốc gia Nga, do những nghi ngờ về danh tính thực sự của chúng.
Trong khi các nhà điều tra vào năm 2008 đã đi đến kết luận xác nhận hai di hài trên thuộc về Alexei và Maria, nhưng Giáo hội Chính thống giáo Nga và một số hậu duệ của gia đình Romanov vẫn không công nhận quyết định trên. Đến tháng 7 năm nay, Giáo hội Nga gây sức ép buộc Điện Kremlin phải mở lại cuộc điều tra. Đồng thời, đây cũng là nhu cầu cấp thiết do lễ tưởng niệm 100 năm cái chết của sa hoàng và sự chấm dứt của vương triều Romanov đang đến gần. Vào năm 2018, Nga muốn đoàn tụ cả 7 người trong gia đình Sa hoàng Nicholas II vào cùng một chỗ.
Bên cạnh việc khai quật hài cốt của sa hoàng và hoàng hậu, ủy ban điều tra cho hay cũng tiến hành lấy mẫu mô từ các thành viên gia đình Romanov được chôn ở Jerusalem, cũng như mẫu máu dính trên y phục của người ông là sa hoàng Alexander II, qua đời trong vụ ám sát bằng bom vào năm 1881. Thông tấn xã Tass đã dẫn lời một luật sư đại diện cho thành viên hoàng tộc còn sống sót, nữ đại công tước Maria Vladimirovna ủng hộ cuộc điều tra mới.
Được biết, triều đại Romanov đã trị vì nước Nga trong khoảng 200 năm trước khi Nga hoàng Nicholas II bị truất phế vào năm 1917. Sau cái chết tức tưởi của cả gia đình sa hoàng, đến năm 2000, Giáo hội Chính thống giáo Nga đã tiến hành phong thánh cho vị sa hoàng cuối cùng của nước này, gọi ông là Thánh Nicholas người chịu nỗi thống khổ. Nếu danh tính của Alexei và Maria được công nhận, họ cũng có thể được phong thánh như cha của mình, theo Tass.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.