Mối nguy thất nghiệp vì robot tại châu Á

Bảo Vinh
Bảo Vinh
08/04/2018 16:00 GMT+7

Cách mạng robot và tự động hóa đang đặt ra nguy cơ thất nghiệp đối với lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại châu Á.

Tự động hóa là xu thế chung của các nền kinh tế trong thời đại đòi hỏi năng suất cao, trong khi công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển chóng mặt. Tuy nhiên, để cho máy móc, robot đảm nhận công việc của con người cũng gây ra nguy cơ như tỷ lệ thất nghiệp tăng, buộc giới hữu trách lẫn người lao động phải tìm hướng thích ứng.
Hồi tháng 3, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (trụ sở tại Paris, Pháp) công bố kết quả nghiên cứu mới cho thấy 14% lượng việc làm tại 32 nền công nghiệp trên thế giới sẽ sớm do AI đảm nhận. Chẳng hạn như người máy lau dọn hoặc phần mềm thay thế người phiên dịch và phân tích dữ liệu. Một nghiên cứu của 2 nhà khoa học thuộc Đại học Oxford (Anh) là Carl Frey và Michael Osborne thậm chí kết luận rằng 47% số việc làm tại Mỹ có nguy cơ bị máy móc chiếm trong vài chục năm tới.
Theo tạp chí Nikkei Asian Review, dù các nghiên cứu chủ yếu được thực hiện ở các nước phương Tây nhưng xu hướng nói trên cũng có tác động mạnh đối với châu Á, khu vực đang tăng trưởng mạnh về sản xuất công nghiệp, vì những công việc tay nghề thấp được xem là một trong những nghề dễ bị ảnh hưởng nhất từ quá trình tự động hóa.
Quá trình tự động hóa được cho là đe dọa không chỉ người lao động trong ngành sản xuất tại các nước chuyên xuất khẩu như Trung Quốc, Malaysia hay Thái Lan mà còn tại những nước đang trong giai đoạn phát triển công nghiệp bước đầu như Campuchia hay Myanmar. Việc máy móc đảm đương phần việc của con người tại châu Á được dự đoán sẽ gây tác động sâu rộng, làm mất đi kế sinh nhai của người lao động chuyển đổi từ nông nghiệp sang làm việc trong các xí nghiệp với mong muốn vươn lên từ tầng lớp thu nhập thấp lên thu nhập trung bình.
Trong những năm gần đây, Hãng điện tử Foxconn, tên thương mại của Tập đoàn Hon Hai Precision Industry (trụ sở tại Đài Loan) chuyên lắp ráp điện thoại iPhone, đã thay thế hàng chục ngàn công nhân bằng máy móc, qua đó xóa bỏ nhận định cho rằng những công việc tỉ mỉ trong dây chuyền lắp ráp điện thoại thông minh sẽ khó có thể được cơ khí hóa. Hồi tháng 2, Công ty Innolux tại Đài Loan chuyên sản xuất màn hình LCD cũng thông báo kế hoạch tự động hóa 1/5 khối lượng công việc, theo Nikkei Asian Review. Còn tại những nước có thế mạnh về gia công may mặc như Việt Nam hay Bangladesh, các loại thiết bị mới như máy may tự động (sewbot) sẽ sớm trở thành “đối thủ khó chịu” của công nhân.
Đến nay, quá trình tự động hóa nói trên được nhận định vẫn đang ở giai đoạn đầu tại hầu hết các nước công nghiệp mới nổi ở châu Á. Ví dụ tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mức độ tự động hóa trong ngành công nghiệp vẫn còn chưa cao với tỷ lệ 631 robot/10.000 lao động. Con số này chỉ bằng 1/3 ở Mỹ và 1/10 của Hàn Quốc, theo Liên đoàn Robot quốc tế (IFR). Bên cạnh đó còn phải tính đến các yếu tố như chi phí đầu tư cũng như sự phức tạp của việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Tuy nhiên, ông Thái Phương, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định robot chắc chắn sẽ vượt qua con người trong nhiều ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao trong từ 10 - 20 năm tới. “Chúng ta phải đặt ra giới hạn, hạn chế tốc độ phát triển của robot nhằm tránh những tác động xấu đến con người”, tờ South China Morning Post dẫn lời ông Thái. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng xác định tự động hóa là xu thế không thể tránh khỏi nên điều quan trọng hơn là giúp người lao động thích nghi với môi trường mới, tìm ra những ngành nghề mà con người làm tốt hơn robot, đồng thời phải bồi thường cho những lao động bị mất việc do quá trình này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.