Mỹ cấm vận công tố viên Tòa Hình sự Quốc tế vì điều tra tội ác chiến tranh Afghanistan

03/09/2020 13:28 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington áp đặt lệnh cấm vận đối với công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Fatou Bensouda sau khi bà đẩy mạnh cuộc điều tra tội ác chiến tranh của lính Mỹ ở Afghanistan.

Theo lệnh cấm vận, Washington đóng băng tài sản của bà Bensouda và một thành viên cấp cao của ICC Phakiso Mochochoko tại Mỹ, đồng thời cấm công dân Mỹ làm ăn với hai người này.
Trong buổi họp báo ngày 2.9, Ngoại trưởng Pompeo nói Washington áp đặt lệnh cấm vận kinh tế “vì ICC tiếp tục có động thái nhắm vào người Mỹ", theo AFP.
Đáp lại, ICC - trụ sở tại thành phố The Hague (Hà Lan) - kịch liệt phản đối động thái của Mỹ và gọi đó là “hành vi cưỡng ép nhắm vào một tổ chức tư pháp quốc tế”.
Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok bày tỏ sự thất vọng trước động thái của Mỹ. Còng cố vấn cấp cao Balkees Jarrah của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Mỹ) cho biết việc Washington cấm vận ICC làm phai mờ các cam kết của Mỹ về bảo vệ nạn nhân của tội ác chiến tranh.

"Tòa án kangaroo"

Hồi năm 2019, chính phủ Tổng thống Donald Trump đã thu hồi thị thực Mỹ của công tố viên Bensouda vì cuộc điều tra của ICC nhắm vào quân đội Mỹ. Tuy nhiên, ICC vẫn kiên quyết tiếp tục cuộc điều tra, bất chấp yêu cầu chấm dứt điều tra từ Washington.
Đến tháng 6.2020, Tổng thống Trump ra lệnh cho phép áp đặt lệnh cấm vận ICC. Lúc đó, Ngoại trưởng Pompeo gọi ICC là "tòa án kangaroo" (tức tòa án giả hiệu), đồng thời cảnh báo nếu lính Mỹ trở thành mục tiêu của ICC thì lực lượng đồng minh ở Afghanistan có nguy cơ bị đối xử tương tự.

Mỹ không kích làm ít nhất 30 dân thường thiệt mạng ở Afghanistan

Lệnh cấm vận được công bố chỉ 2 tháng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong chiến dịch vận động tái tranh cử, Tổng thống Trump thường nêu bật thành tích của ông về việc chống lại những thể chế quốc tế không làm theo yêu cầu từ Mỹ.
Mỹ, Nga, Trung Quốc, Israel, Syria và một số quốc gia khác không phải là thành viên ICC, nhưng lâu nay thường lên tiếng phản đối tòa án này.
Vào năm 2002, Quốc hội Mỹ thậm chí còn thông qua cái gọi là "Đạo luật Xâm lược The Hague", cho phép tổng thống ủy quyền quân đội giải cứu bất kỳ binh sĩ Mỹ nào bị ICC xét xử. Điều này đồng nghĩa quân đội Mỹ được phép xâm lược Hà Lan.
Chính phủ Mỹ lập luận rằng Washington có thủ tục riêng để điều tra cáo buộc chống lại quân đội nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi hồi năm ngoái để xóa bỏ tội ác chiến tranh cho 3 binh sĩ, trong đó có người đóng quân ở Afghanistan. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.