Mỹ-Trung bàn về nhân quyền

21/01/2011 09:49 GMT+7

* Còn nhiều việc phải làm tại Trung Quốc về lĩnh vực quyền con người Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đạt nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa giải quyết được những vấn đề gai góc nhất trong chuyến thăm Washington của ông Hồ Cẩm Đào.

Sau những nghi lễ đón tiếp trọng thể cấp nhà nước hôm 19.1, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bước vào các cuộc hội đàm kín về những bất đồng nóng bỏng nhất trong quan hệ giữa 2 nước. Mỹ vẫn đang là cường quốc số 1 thế giới trong khi Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng. Tổng cục Thống kê Trung Quốc hôm qua công bố số liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2010 đạt 10,3%, cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc họp báo chung ngày 20.1, hai nhà lãnh đạo thừa nhận những bất đồng về nhân quyền của Trung Quốc và tuyên bố sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này thẳng thắn và cởi mở. Lần đầu tiên, ông Hồ Cẩm Đào công khai nhìn nhận các lo ngại về vấn đề trên. “Trung Quốc là quốc gia đang phát triển với dân số khổng lồ, và cũng đang ở giai đoạn cực kỳ quan trọng của tiến trình cải cách. Về khía cạnh này, Trung Quốc vẫn còn đối mặt nhiều thách thức trong phát triển kinh tế cũng như xã hội. Và còn nhiều việc phải làm tại Trung Quốc về lĩnh vực quyền con người”, tờ Washington Post dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc. Ông cũng tuyên bố thêm rằng nước này sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm của các nước khác, cũng như thảo luận nghiêm túc vấn đề này với Mỹ trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc, trừ kênh tiếng Anh của Đài truyền hình trung ương, tờ China Daily và hãng thông tấn nhà nước lớn thứ 2 là Tân Văn xã, hôm qua đều không đề cập những lời này của ông Hồ Cẩm Đào.

Lãnh đạo hai nước cũng lần đầu tiên đưa ra tuyên bố chung về vấn đề bán đảo Triều Tiên, khẳng định Mỹ - Trung kêu gọi đối thoại liên Triều cũng như giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, theo AFP.

“Cuộc chiến” ở Quốc hội Mỹ Washington cũng cho hay Bắc Kinh đã thông qua gói 70 thỏa thuận xuất khẩu hàng Mỹ đến Trung Quốc trị giá 45 tỉ USD, trong đó có hợp đồng mua 200 máy bay Boeing trị giá đến 19 tỉ USD.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề gay cấn nhất trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung là giá trị đồng nhân dân tệ vẫn bị tránh né. Trong cuộc họp báo, ông Hồ Cẩm Đào tránh đề cập vấn đề này, dù ông Obama hai lần nói rằng “nhân dân tệ bị định giá thấp”, và việc này góp phần khiến dân Mỹ thất nghiệp.

Chính sách kìm giá nhân dân tệ và nhiều bất đồng khác cũng cũng gây nên bầu không khí căng thẳng tại Quốc hội Mỹ, nơi ông Hồ Cầm Đào có cuộc gặp quan trọng với vài nhân vật chỉ trích Trung Quốc kịch liệt nhất. 3 trong số 4 nhà lãnh đạo đứng đầu Quốc hội đã từ chối tham dự buổi quốc yến do Nhà Trắng tổ chức để đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc. Theo AFP, Chủ tịch Hạ viện John Boehner; lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid; lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnel đã đồng loạt từ chối dự tiệc, và chỉ có lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi tham gia. Tuy nhiên, văn phòng của bà Pelosi cũng ra một tuyên bố viết: “Tôi hy vọng chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ mang lại tiến bộ về những vấn đề đang gây lo ngại như vấn đề nhân quyền, vấn đề Tây Tạng và lối làm ăn không công bằng của Trung Quốc, vốn khiến mất cân bằng thương mại giữa 2 nước lên đến 5 tỉ USD/tuần”.

Trong cuộc gặp kín đầu tiên với các hạ nghị sĩ Mỹ trưa 20.1 (rạng sáng qua, giờ VN), Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đối mặt với hàng loạt câu hỏi về các vấn đề như cáo buộc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ và công nghiệp hàng loạt ở Trung Quốc và việc phá thai xuất phát từ chính sách một con gây tranh cãi của nước này, theo tờ USD Today. Tờ này dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Boehner tuyên bố sau cuộc họp: “Các lãnh đạo Trung Quốc cần làm tốt hơn trong vấn đề bảo đảm quyền lợi của mọi công dân, đặc biệt là những bào thai vô tội”. Ông Boehner cũng cho hay phía Mỹ đã đặt câu hỏi về CHDCND Triều Tiên… nhưng không đề cập chuyện đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, ông không cho hay ông Hồ Cẩm Đào trả lời như thế nào. Chủ tịch  Trung Quốc cũng không trả lời các câu hỏi của phóng viên mà vào thẳng phòng họp kín với các đại diện của Thượng viện Mỹ.

Hàn Quốc đồng ý đối thoại

Có vẻ như lời kêu gọi đối thoại liên Triều của 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã có hiệu quả khi hôm qua Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố chấp nhận đề nghị đàm phán quân sự cấp cao của CHDCND Triều Tiên. AFP dẫn lời phát ngôn viên Lee Jong-joo của bộ trên cho hay đề nghị đối thoại được Bộ trưởng Quốc phòng CHDCND Triều Tiên Kim Yong-chun gửi tới người đồng cấp miền Nam Kim Kwan-jin sáng qua. Tuy nhiên, Seoul khẳng định đàm phán chỉ có tác dụng khi Bình Nhưỡng nhận trách nhiệm về vụ đánh chìm tàu tuần tra Cheonan hồi tháng 3.2010 và vụ pháo kích đảo Yeonpyeong hồi tháng 11.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan hôm qua bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc và khẳng định Nhật cần thắt chặt hơn nữa quan hệ đồng minh với Mỹ. Tuy nhiên, AFP cũng dẫn lời ông Kan kêu gọi tăng cường đối thoại với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp trên biển Hoa Đông và cùng “hành động có trách nhiệm như những cường quốc của cộng đồng quốc tế”.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.