NASA phóng tàu vũ trụ tiến sát Mặt trời

Khánh An
Khánh An
12/08/2018 16:08 GMT+7

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 12.8 phóng tên lửa Delta IV Heavy mang tàu thăm dò Mặt trời Parker trị giá 1,5 tỉ USD vào vũ trụ.

Theo AFP, tàu thăm dò Mặt trời Parker được phóng lên tại Mũi Canaveral (bang Florida, Mỹ) vào lúc 3 giờ 31 (giờ địa phương).
Có kích cỡ bằng chiếc xe hơi nhỏ, tàu Parker được bảo vệ bởi lớp vỏ dày 11,43 cm, cho phép chịu nhiệt đến 1.400oC nên có thể tiến gần bề mặt Mặt trời ở khoảng cách 6,16 triệu km. Lớp chắn nhiệt này còn chịu được bức xạ cao gấp 500 lần so với bức xạ Mặt trời trên Trái đất, giúp duy trì nhiệt độ bên trong con tàu ở mức 29oC.
Với việc tiến gần Mặt trời hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào trước đây trong lịch sử, mục tiêu chính của tàu là hé lộ bí mật về vành nhật hoa, vầng ánh sáng phát ra từ không gian xung quanh Mặt trời. Vùng này không chỉ nóng gấp 300 lần bề mặt Mặt trời mà còn nơi tán xạ bức xạ điện từ có thể tạo ra bão Mặt trời, thường làm tê liệt mạng lưới điện trên Trái đất.
“Tàu Parker Solar Probe sẽ giúp chúng ta dự báo tốt hơn những tác động của bão Mặt trời có thể ảnh hưởng đến Trái đất”, theo giáo sư Justin Kasper tại Đại học Michigan tham gia dự án.
[VIDEO] Nhiệm vụ "Chạm vào Mặt trời" của NASA
Khi tiến gần tới Mặt trời, tàu Parker sẽ đạt vận tốc 700.000 km/giờ, đủ để bay từ New York tới Tokyo chỉ trong vòng một phút và là tốc độ của thiết bị nhân tạo nhanh nhất từ trước đến nay.
Theo kế hoạch, tàu sẽ bay 24 vòng quanh vành nhật hoa trong sứ mệnh kéo dài khoảng 7 năm. Những công cụ trên tàu sẽ đo vành nhật hoa cũng như sự thay đổi trong từ trường và gió Mặt trời, hiện tượng được nhà vật lý người Mỹ Eugene Parker mô tả lần đầu tiên vào năm 1958.
Đây cũng là lần đầu tiên NASA đặt tên một con tàu theo tên của một nhà khoa học còn sống là ông Parker (91 tuổi).
Hồi đầu tuần, ông Parker chia sẻ rằng ông rất ấn tượng với tàu thăm dò và gọi đó là "một cỗ máy rất phức tạp”. Trong hơn 60 năm qua, các nhà khoa học luôn muốn chế tạo một tàu vũ trụ như tàu Parker nhưng chỉ đến những năm gần đây, tiến bộ trong công nghệ chống nhiệt mới đủ để chế tạo lớp bảo vệ bên ngoài, theo nhà khoa học tham gia dự án Nicky Fox.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.