Nghi án Coco Chanel làm gián điệp

07/12/2014 09:05 GMT+7

Người phụ nữ từng là biểu tượng thời trang của nước Pháp, Coco Chanel bị cáo buộc làm gián điệp cho Đức Quốc xã thời Thế chiến 2.

Coco Chanel năm 1936  - Ảnh: Mirror
Coco Chanel năm 1936 - Ảnh: Mirror

Với hàng triệu người trên thế giới, Chanel tượng trưng cho phong cách, sự sang trọng và thanh lịch, từ thời trang cao cấp chỉ được một ít người mặc cho đến những mẫu quần áo phục vụ số đông. Thành tựu của người sáng lập thương hiệu thời trang nổi tiếng này là không thể phủ nhận. Những bộ trang phục “nhìn là biết Chanel” được mặc bởi những nhân vật ưa chuộng thời trang nổi tiếng, từ nữ công tước Windsor đến cựu đệ nhất phu nhân Pháp Carla Bruni-Sarkozy.

Bà Jackie Kennedy từng mặc bộ đồ màu hồng của Chanel khi Tổng thống Mỹ John F.Kennedy bị ám sát ở thành phố Dallas vào năm 1963. Nhưng có một khía cạnh khác ảm đạm hơn trong câu chuyện của nhà thiết kế Coco Chanel, và nó liên quan đến những hành động của bà trong Thế chiến 2.

Tiết lộ của người Pháp

Tờ Daily Mail đưa tin các nhà nghiên cứu Pháp vừa tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng không thể chối cãi về việc Chanel từng làm gián điệp cho Đức Quốc xã trong thời chiến. Một bản tài liệu lưu trữ minh chứng điều này đã lần đầu tiên được công bố trong bộ phim tài liệu có tựa đề L'Ombre d'un Doute (tạm dịch: Bóng tối ngờ vực) phát trên kênh truyền hình Pháp France 3 vào tối 1.12. Tài liệu khẳng định Chanel từng là điệp viên có bí số hẳn hoi của Abwehr, cơ quan tình báo quân sự bí mật của trùm phát xít Adolf Hitler.

Chào đời vào năm 1883 tại một trại tế bần ở vùng Pays de la Loire, miền tây nước Pháp, Gabrielle Chanel đã “lột xác” để trở thành một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng với tên gọi Coco Chanel trước Thế chiến 2. Mối quan hệ của bà với Đức Quốc xã khởi đầu vào thời điểm quân đội Pháp suy sụp năm 1940. Chanel đã trở lại Paris ngay sau đó và chuyển vào ở tại khách sạn Ritz gần quảng trường Place Vendôme ở trung tâm kinh đô ánh sáng. Khách sạn Ritz khi đó được xem là đại bản doanh của không quân Đức Quốc xã (Luftwaffe) tại Pháp. Chanel nhanh chóng có quan hệ tình cảm với nam tước Hans Gunther von Dincklage, một tùy viên tại Đại sứ quán Đức đồng thời là sĩ quan cao cấp của Gestapo (cơ quan mật vụ Đức Quốc xã).

Dincklage là người được Hitler và trùm tuyên truyền Joseph Goebbels tin tưởng và đánh giá cao. Thông qua cuộc tình với người đàn ông nhỏ hơn mình đến 13 tuổi, Chanel trở nên gần gũi với nhiều nhân vật cấp cao của Đức Quốc xã đến mức vào năm 1943, bà được cử đến Madrid (Tây Ban Nha) trong vai trò “sứ giả hòa bình” khi cuộc chiến diễn biến bất lợi và một số nhân vật Đức Quốc xã muốn thương thảo một thỏa thuận ngừng bắn riêng với Anh.

Chanel được xem là người đặc biệt thích hợp để làm điều đó. Bà dự định tranh thủ mối quen biết trong quá khứ với Thủ tướng Anh Winston Churchill để đảm bảo một thỏa thuận với lực lượng Anh khi đó đang đóng tại Madrid. Tuy nhiên, kế hoạch của Chanel đã thất bại sau khi nhà lãnh đạo Anh không phản hồi đề nghị của Đức Quốc xã. Theo sử gia Pháp Henry Gidel, bà Chanel đã “biểu lộ chứng hoang tưởng tự đại và sự ngây thơ khó tin” khi nghĩ mình có thể thay đổi suy nghĩ của Thủ tướng Anh. Còn tình báo Anh đã biết rõ việc Chanel “ăn nằm” với kẻ thù.

Trong quá trình làm gián điệp cho Đức Quốc xã, Chanel mang bí danh “Westminster”, ám chỉ đến mối quan hệ của bà với người tình cũ là công tước Westminster trong những năm 1920. Chính công tước Westminster đã giới thiệu Chanel với Thủ tướng Churchill. Theo hồ sơ chính thức của Đức Quốc xã được Bộ Quốc phòng Pháp bí mật lưu trữ trong 7 thập niên qua, số hiệu điệp viên của Chanel tại Abwehr là F-7124.

Chủ nghĩa cơ hội

Những tin đồn về việc Chanel từng cộng tác với Đức Quốc xã đã râm ran từ rất lâu. Tuy nhiên, với việc phát sóng bộ phim, đây là lần đầu tiên một kênh truyền hình quốc gia Pháp chính thức thừa nhận Chanel làm gián điệp cho kẻ thù. Theo tờ International Business Times, phát hiện của người Pháp có phần trái với những tuyên bố trước đó của sử gia Mỹ Hal Vaughan, người từng viết sách về mối quan hệ giữa Chanel với Đức Quốc xã. Ông nói: “Chanel không tin bất kỳ thứ gì, trừ thời trang. Bà ta tin vào quần áo đẹp, bà ta tin vào công việc kinh doanh của mình. Bà ta không quan tâm tới Hitler, chính trị hay chủ nghĩa quốc xã”. Theo chuyên gia này, Chanel “hoàn toàn là một người cơ hội. Bà bị hút vào quyền lực, và Đức Quốc xã khi đó đang nắm quyền lực”.

Coco Chanel cùng Winston Churchill (phải) và Randolph, con trai ông Churchill
Coco Chanel cùng Winston Churchill (phải) và Randolph, con trai ông Churchill

Ông Vaughan, một cựu binh trong Thế chiến 2, cũng sẵn sàng chấp nhận việc Chanel chưa bao giờ là một điệp viên đúng nghĩa. “Là gián điệp có nghĩa là bạn phải chụp ảnh, bạn phải đánh cắp tài liệu. Chanel chưa bao giờ làm điều đó”, BBC dẫn lời sử gia Mỹ phát biểu. “Bà ta là một cố vấn viên. Bà ta biết mọi người ở Tây Ban Nha, bà ta biết mọi người ở Anh, và bà ta đã giúp đỡ Đức Quốc xã”. Khi chiến tranh kết thúc, Chanel không bị lực lượng kháng chiến Pháp xét xử việc cộng tác với kẻ thù. Ông Vaughan nói rằng đó là do có sự can thiệp của Thủ tướng Churchill, còn những người khác thì nói đó là nhờ Hoàng gia Anh. Justine Picardie, tác giả một cuốn sách khác về cuộc đời của Chanel, cũng thừa nhận bà là một người “đầy mâu thuẫn”.

L'Ombre d'un Doute đã đi ngược lại tuyên bố chính thức của chính phủ Pháp, vốn lâu nay vẫn khẳng định hầu hết những người nổi tiếng trong thời kỳ đó đều tham gia phong trào kháng chiến hoặc đơn giản là tẩy chay Đức Quốc xã. Theo bộ phim này, vào thời hậu chiến, quân đội Pháp đã tiêu hủy nhiều hồ sơ của các ngôi sao có dính líu với Đức Quốc xã. Họ đã thay đổi sự thật nhằm mục đích tăng cường đoàn kết quốc gia và khôi phục ý thức tự hào dân tộc trong cuộc đối đầu với Đức.

Về phần mình, Chanel đã chạy sang Thụy Sĩ cùng với người tình Dincklage không lâu sau khi Pháp được giải phóng vào năm 1944. Bà trở lại Pháp vào năm 1949 và một lần nữa thoát khỏi trừng phạt khi cung cấp lời khai tại phiên tòa xét xử điệp viên hai mang Louis de Vaufreland, người đã đưa Chanel vào Abwehr. Bà trở lại Paris vĩnh viễn vào năm 1954 và sống tại nơi trú ngụ thời chiến là khách sạn Ritz.

Tính đến thời điểm qua đời ở tuổi 87 vào tháng 1.1971, Chanel vẫn là một thần tượng Pháp thực thụ với những thiết kế trang phục được đánh giá cao trên toàn thế giới. Như sử gia Vaughan đã phát biểu: “Nhiều người trên thế giới này không muốn hình ảnh của Gabrielle Coco Chanel, một trong những thần tượng văn hóa vĩ đại của nước Pháp, bị hủy hoại. Đó chính là lý do khiến nhiều người muốn dẹp sang một bên, muốn lãng quên, để chỉ chú tâm vào việc tiêu thụ các sản phẩm của Chanel mà thôi”. 

Mưu lợi cá nhân

Người dẫn chuyện trong bộ phim tài liệu L'Ombre d'un Doute, sử gia Franck Ferrand nói rằng Chanel đã lợi dụng sự ảnh hưởng của bà với Đức Quốc xã để ra sức giành lại công ty kinh doanh nước hoa mà bà đã bán cho gia đình Do Thái Wertheimer hồi năm 1924.

Chính Pierre Wertheimer đã góp phần quan trọng để biến nước hoa Chanel số 5 trở thành sản phẩm bán chạy nhất thế giới. Chanel từng hy vọng các quy định của Đức Quốc xã, bao gồm việc cấm người Do Thái sở hữu doanh nghiệp, sẽ dẫn đến việc dây chuyền sản xuất nước hoa Chanel bị tịch thu và trả lại cho bà. Tuy nhiên, âm mưu của Chanel thất bại do gia đình Wertheimer đã kịp thời bán cổ phần của họ cho một doanh nhân Pháp trước khi bỏ chạy sang Mỹ. Sau khi chiến tranh kết thúc, Pierre Werthheimer trở lại châu Âu và từng tài trợ cho Chanel mở một hãng thời trang.

Những tên tuổi khác

Bên cạnh nhân vật chính Chanel, bộ phim tài liệu cũng đã nêu nghi vấn về việc nhiều ngôi sao của làng giải trí Pháp thời Thế chiến 2, gồm các ca sĩ Edith Piaf và Maurice Chevalier cùng nhà soạn kịch kiêm đạo diễn sân khấu Sacha Guitry, đã có quan hệ với Đức Quốc xã.

Trong thời gian Pháp bị Đức chiếm đóng, sự nghiệp của những người này “lên hương” rõ rệt. Thậm chí, Piaf còn nhận lời mời trình diễn tại một số sự kiện của chính quyền Quốc xã.

Trùng Quang

>> Trò chuyện với người đóng Coco Chanel
>> Diễn viên đóng Coco Chanel đến Hà Nội
>> Khởi động ba dự án phim, kịch về nhà thiết kế thời trang Coco Chanel

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.