Nghi vấn vai trò của Ả Rập Xê Út trong vụ 11.9

19/04/2016 09:25 GMT+7

Một tờ báo Mỹ vừa tố cáo chính phủ nước này bưng bít vai trò của Ả Rập Xê Út trong vụ tấn công khủng bố rúng động thế giới hồi năm 2001.

Một tờ báo Mỹ vừa tố cáo chính phủ nước này bưng bít vai trò của Ả Rập Xê Út trong vụ tấn công khủng bố rúng động thế giới hồi năm 2001.

 Vụ tấn công ngày 11.9.2001 - Ảnh: Business Insider Vụ tấn công ngày 11.9.2001 - Ảnh: Business Insider
Những nghi vấn về vai trò của Ả Rập Xê Út trong vụ tấn công 11.9.2001 lại một lần nữa được xới lên sau khi có tin Riyadh đe dọa trả đũa kinh tế nếu quốc hội Mỹ thông qua dự luật cho phép gia đình các nạn nhân khởi kiện vương triều ở Trung Đông liên quan đến vụ khủng bố này. Điều đáng chú ý là Nhà Trắng có vẻ như nhún nhường trước lời đe dọa của Ả Rập Xê Út bằng cách ráo riết vận động quốc hội Mỹ không thông qua dự luật trên.
Tờ New York Daily News đưa tin nhiều gia đình nạn nhân vụ 11.9 đã chỉ trích mạnh mẽ động thái của Nhà Trắng, coi đó là hành động “tự tát vào mặt mình”. Sức ép đối với Tổng thống Barack Obama càng gia tăng khi cả 2 ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ là Hillary Clinton và Bernie Sanders đều ủng hộ việc thông qua dự luật trên.
Tài liệu tuyệt mật
Các thông tin trên xuất hiện giữa lúc có nhiều sức ép về việc minh bạch hóa mối liên hệ của Ả Rập Xê Út đối với vụ tấn công kinh hoàng trên đất Mỹ cách đây 15 năm.
Nhằm tìm lời đáp cho nghi vấn có hay không chuyện chính phủ Mỹ cản trở điều tra hành động bảo trợ của nước ngoài trong vụ 11.9 nhằm bảo vệ các nhân vật cấp cao của Ả Rập Xê Út, hạ nghị sĩ Walter Jones thuộc đảng Cộng hòa mới đây đã trình dự luật đòi Tổng thống Obama công bố 28 trang tài liệu đóng dấu mật trong bản báo cáo điều tra về vụ 11.9 của quốc hội Mỹ. “Có những điều lẽ ra nên làm nhưng đã không được làm. Tôi đang cố cung cấp cho quý vị một câu trả lời”, ông nói với New York Post.
Theo Fox News, quyết định có giải mật hay không 28 trang tài liệu trên dự kiến sẽ được ông Obama đưa ra trong vòng 60 ngày tới. Tuy nhiên, trong một bài báo ngày 17.4, tờ New York Post cáo buộc rằng sự dính líu của chính phủ Ả Rập Xê Út đã bị cấp cao nhất của chính phủ Mỹ bưng bít. Sự bao che không chỉ giới hạn ở việc bảo mật nghiêm ngặt 28 trang của báo cáo về mối liên hệ giữa Riyadh mà còn ở việc cản trở các cuộc điều tra về vấn đề này.
Theo tờ New York Post, các nhân viên thuộc Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố hỗn hợp (JTTF) ở Washington D.C và thành phố San Diego, “căn cứ tiền phương” của một số kẻ không tặc người Ả Rập Xê Út, cũng như các điều tra viên tại Văn phòng cảnh sát hạt Fairfax vốn cũng tham gia điều tra vụ 11.9, gần như có chung nhận định rằng mọi đầu mối đều dẫn đến Đại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Washington D.C cũng như Lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở thành phố Los Angeles.
Tuy nhiên, họ được yêu cầu không theo đuổi những manh mối này với lý do chung chung là “quyền miễn trừ ngoại giao” dành cho các chính phủ nước ngoài.
Bộ trưởng dầu khí Ả Rập Xê Út Ali al-Naimi đến Doha, Qatar dự hội nghị các nhà sản xuất dầu mỏ khối OPEC và ngoài OPEC ngày 17.4. Ả rập Xê Út doạ trả đũa kinh tế nếu quốc hội Mỹ thông qua dự luật cho phép gia đình các nạn nhân khởi kiện vương triều Ả Rập Xê Út vì có liên quan vụ khủng bố 11.9.2001 - Ảnh: Reuters

Hoàng tử bí ẩn
Theo New York Post, Anwar al-Awlaki, cố vấn tinh thần của những kẻ không tặc, cũng đã thoát lưới của Mỹ nhờ mối liên hệ với Ả Rập Xê Út. Vào năm 2002, giáo sĩ được Ả Rập Xê Út bảo trợ này bị bắt giữ tại sân bay quốc tế John F.Kennedy ở thành phố New York với cáo buộc dùng hộ chiếu giả, nhưng sau đó đã được trả tự do và bàn giao cho một “đại diện Ả Rập Xê Út”. Mãi đến năm 2011, al-Awlaki mới bị trừng phạt trong một đòn tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ.
Theo New York Post, 28 trang bị kiểm duyệt trong báo cáo điều tra của quốc hội Mỹ bao gồm toàn bộ chương cuối nói về “sự hậu thuẫn của nước ngoài” đối với những kẻ không tặc. Các trang đó đề cập chi tiết những “bằng chứng không thể chối cãi” được thu thập từ hồ sơ của Cục Điều tra liên bang (FBI) và Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) về sự hỗ trợ chính thức của Ả Rập Xê Út dành cho 2 trong số những kẻ không tặc sống ở San Diego.
Một số thông tin bị rò rỉ từ tập tài liệu cho thấy có hàng loạt cuộc điện thoại đã được thực hiện giữa một người huấn luyện 2 kẻ không tặc ở San Diego và Đại sứ quán Ả Rập Xê Út. Bên cạnh đó, gia đình hoàng tử Bandar bin Sultan, khi đó là đại sứ tại Mỹ, còn bị phát hiện chuyển 130.000 USD cho một người huấn luyện khác của 2 tên không tặc nói trên trước ngày 11.9.2001.
Một điều tra viên từng làm việc cho JTTF, có trụ sở ở Washington D.C, than phiền rằng thay vì điều tra hoàng tử Bandar, chính phủ Mỹ lại bảo vệ ông ta theo đúng nghĩa đen. Người này khẳng định Bộ Ngoại giao Mỹ từng cử nhân viên an ninh bảo vệ hoàng tử Bandar không chỉ ở đại sứ quán mà cả tư dinh của ông này, một ngôi biệt thự sang trọng ở bang Virginia.
Nguồn tin trên nói thêm rằng JTTF muốn tống giam một số viên chức Đại sứ quán Ả Rập Xê Út, nhưng cơ quan này “đã khiếu nại với chưởng lý Mỹ” để rồi sau đó giới chức sở tại chỉ thu hồi hộ chiếu ngoại giao của họ như một sự thỏa hiệp.
Cựu nhân viên FBI John Guandolo, người đã tham gia cuộc điều tra vụ 11.9 và những vụ án liên quan đến mạng lưới al-Qaeda, cho rằng hoàng tử Bandar phải bị xem là nghi phạm chính trong vụ khủng bố.
“Ông ấy tài trợ cho 2 kẻ không tặc (ở San Diego) thông qua bên thứ ba nên không thể không bị xem là một nghi phạm khủng bố”, ông Guandolo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhà ngoại giao Ả Rập vẫn ở thế “trên cơ” FBI. Sau cuộc gặp giữa hoàng tử Bandar và Tổng thống George W.Bush tại Nhà Trắng vào ngày 13.9.2001, nơi hai “người bạn cũ” chia sẻ nhau những điếu xì gà, người ta thấy FBI sơ tán hàng chục quan chức Ả Rập Xê Út khỏi các thành phố của Mỹ, bao gồm ít nhất một thành viên của gia đình trùm khủng bố Osama bin Laden có tên trong danh sách theo dõi.
Chưa hết, thay vì chất vấn, FBI lại đóng vai hộ tống cho các quan chức Ả Rập Xê Út dù vào thời điểm đó, Washington đã xác định 15/19 kẻ không tặc là công dân đến từ nước này.
Cựu đặc vụ FBI Mark Rossini cho biết cơ quan của ông đã bị Nhà Trắng cản trở thẩm vấn những nghi phạm Ả Rập Xê Út. “Không có trát bắt nào được tống đạt để thu thập bằng chứng gắn các nghi phạm Ả Rập Xê Út với vụ 11.9”, ông nói.
Còn cựu cảnh sát hạt Fairfax, trung úy Roger Kelly thì nói rằng: “FBI đã bịt tai lại mỗi khi nghe chúng tôi nhắc đến những người Ả Rập Xê Út. Đó là vấn đề nhạy cảm về chính trị không nên bàn tới”.
Ông John Lehman, thành viên của Ủy ban Điều tra vụ 11.9, cho biết ông hết sức quan tâm đến mối liên hệ giữa những kẻ không tặc với hoàng tử Bandar, vợ của ông ta và Văn phòng phụ trách các vấn đề Hồi giáo tại Đại sứ quán Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, cứ mỗi lần muốn thu thập thông tin về vấn đề đó, ông đều vấp “bức tường Nhà Trắng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.