Ngoại giao vệ tinh

07/05/2017 09:12 GMT+7

GSAT-9 là vệ tinh viễn thông và truyền hình mới của Ấn Độ vừa được đưa lên quỹ đạo.

 Đây không phải là vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Ấn Độ nhưng lại đặc biệt hơn cả bởi nhờ nó mà trong quan hệ quốc tế và chính trị khu vực có thêm khái niệm mới là ngoại giao vệ tinh. Lý do ở chỗ chính phủ Ấn Độ mời chào các nước trong khu vực Nam Á sử dụng miễn phí.
Mời các nước khác trong khu vực sử dụng miễn phí không có nghĩa là phía Ấn Độ hoàn toàn vô tư. Vệ tinh mới được Ấn Độ sử dụng bằng cách như thế có nhiều cái lợi. Tăng cường khả năng truyền thông giúp kết nối và gắn bó các đối tác với nhau. Ấn Độ muốn tranh thủ các nước láng giềng, mở rộng phạm vi ảnh hưởng và đẩy lùi ảnh hưởng của các đối tác bên ngoài khu vực thì phải tỏ ra thiện chí thật sự và “chịu chơi” độc đáo như thế.
Vệ tinh này vì thế đảm trách cả sứ mệnh ngoại giao và còn trở thành công cụ chính trị đắc dụng cho Ấn Độ. Để cho các nước khác sử dụng miễn phí như thế đồng thời là cách quảng cáo rất hiệu quả cho chương trình chinh phục vũ trụ của Ấn Độ. Uy tín quốc tế ở đó. Sự công nhận Ấn Độ là cường quốc khu vực với ảnh hưởng ở tầm toàn cầu cũng nhờ vào đó trong mức độ không hề nhỏ.
Các nước láng giềng và trong khu vực đón nhận, chỉ có Pakistan là từ chối. Điều này cũng dễ hiểu vì quan hệ giữa hai nước này không bình thường và Ấn Độ bỏ xa Pakistan trong chuyện chinh phục vũ trụ. Vì Pakistan phải giữ thể diện nên ngoại giao vệ tinh của Ấn Độ hiện chưa thể phát huy tác dụng ở nước láng giềng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.