Những tồn tại về giải tỏa bồi hoàn nhà đất: Khi quyền lợi của dân bị vi phạm

14/11/2004 22:22 GMT+7

Luật Đất đai, và mới đây là Nghị định 181 đã đề ra những chính sách về đất đai, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để việc quản lý, sử dụng đất đạt hiệu quả, bảo vệ quyền lợi của người dân và nhà đầu tư chân chính. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều dự án mà việc đền bù giải tỏa đã vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của dân, đặc biệt là giá cả đền bù bất hợp lý và mang tính áp đặt. Đây là những tồn tại mà các cấp chính quyền phải tiếp tục giải quyết trong thời gian tới.

Bức xúc của người dân trong khu dự án

Nhìn chung thời gian qua, khi các dự án đã có quyết định giao đất thì những người thực hiện dự án (thông qua chính quyền địa phương) vội vàng tiến hành kiểm kê và ra quyết định áp giá. Thậm chí có một số địa phương mà Ban Đền bù giải phóng mặt bằng đã đứng ra nhận tiền của nhà đầu tư để thực hiện việc cưỡng chế lấy đất của dân, điển hình là vụ Ban Đền bù giải phóng mặt bằng Q.9 (TP Hồ Chí Minh) thực hiện đối với dự án nhà ở của Trường ĐH Quốc gia. Giá cả thường không trên cơ sở giá thực tế và coi nhẹ khâu thỏa thuận với người dân. Để được việc cho mình, các nhà đầu tư đã dùng mọi hình thức để lấy đất.

Để đảm bảo tiến độ thi công, những người thực hiện dự án buộc người dân phải giao đất trong một thời gian nhất định, sau đó nếu người dân thấy oan ức thì đi khiếu nại. Theo trình tự giải quyết khiếu nại, cấp quận, huyện là nơi giải quyết lần đầu; cấp tỉnh, thành phố là nơi giải quyết lần cuối. Sau khi có quyết định cuối cùng, vụ việc được giao về cho cấp quận cưỡng chế thi hành. Nếu người dân chống đối thì sẽ bị khép tội "chống người thi hành công vụ". Thậm chí có nơi không giải quyết theo đúng trình tự trên mà bỏ qua nhiều giai đoạn, vi phạm quyền khiếu nại của người dân. Dưới đây chúng tôi nêu ra một số trường hợp điển hình.

Đến khu vực các hộ dân đang bị lấy đất để thực hiện dự án thí điểm khu xử lý nước thải và dự án đầu tư xây dựng khu phân lô nền nhà và trường tiểu học tại P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) mới thấu hiểu những bức xúc của bà con: Cả 7 hộ bị thu hồi đất cho các dự án này đều chưa được nhận quyết định thu hồi đất, chưa hiệp thương giá cả, có hộ chưa nhận được bản chiết tính giá, có hộ nhận được nhưng lại không có chữ ký, không có con dấu và không ghi ngày tháng. Chính quyền địa phương mới chỉ mời bà con lên làm việc một lần, đưa ra giá đất bồi hoàn là 200.000 - 250.000đ/m2, bà con không chịu giá ấy, liền ra quyết định giải quyết khiếu nại, trong khi các hộ này chưa hề viết đơn khiếu nại (?!).

Trong lúc người dân chưa hiểu mô tê gì (vì chưa có quyết định thu hồi đất) thì chính quyền ban hành quyết định cưỡng chế. Lúc này mọi người mới tá hỏa, làm đơn kêu cứu đến UBND cấp trên. Tại đây, có người bị từ chối nhận đơn (vì hết thời hiệu), bà con đành kêu cứu đến đoàn đại biểu Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Trước tình hình đó, ngày 13/9/2004, Thanh tra thành phố có công văn số 1001/TTr đề nghị UBND Q.Bình Tân xem xét giải quyết lại cho đúng pháp luật đối với các hộ dân bị thu hồi đất nói trên. Thanh tra Q.Bình Tân cũng có kiến nghị về vấn đề này. Thấy việc giải quyết trên đây đã vi phạm pháp luật, ngày 28/9/2004, UBND Q.Bình Tân ban hành quyết định số 1480/QĐ-UB thu hồi và hủy bỏ toàn bộ 11 quyết định giải quyết khiếu nại của các hộ dân nói trên.

Một điều rất lạ lùng là trong khi chính quyền làm sai về thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân một cách nghiêm trọng và vụ việc đang được thu hồi quyết định để làm lại từ đầu thì tại hiện trường, nhà đầu tư vẫn ngang nhiên tiến hành xây dựng trên phần đất nói trên. Khi chúng tôi đến thì lực lượng dân phòng, công an... đang tiến hành cưỡng chế buộc bà con giao đất. Bên trong là những xe ủi đang san lấp, đào bới đất để thi công.

Ông Tô Văn Hoàng - người bị thu hồi đất trong dự án này cho chúng tôi biết chuyện hết sức bất ngờ: Một thành viên có chân trong dự án đề nghị ông làm đơn để Ban Quản lý dự án giải quyết cho ông xin lại 1.000m2 (tổng số đất ông bị thu hồi trong dự án này là hơn 10.000m2) và vị này nói: “Tôi sẽ đứng ra bán giùm cho ông, mỗi nền nhà 100m2 là 20 cây vàng”. Như vậy, cũng đủ thấy giá cả chênh lệch như thế nào trước và sau khi thu hồi đất.

Có người bị thu hồi hơn 10.000m2 đất, có người gần 7.000m2... nhưng không hề có một quyết định thu hồi nào, bản chiết tính cũng không có chữ ký của người có thẩm quyền. Vậy cơ sở pháp lý nào để chính quyền thực hiện việc này? Chuyện khó tin nhưng có thật đã xảy ra.

Chính quyền thay nhà đầu tư để thu hồi đất

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004 thì những dự án vì mục đích sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người có quyền sử dụng đất mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất. Thế nhưng người dân đang ngụ tại khu phố 2, đường Lê Văn Khương, Q.12, TP Hồ Chí Minh đang phải đương đầu với một trường hợp thu hồi đất rất bất hợp lý. Đó là trường hợp hơn 20 hộ dân có 10.326.000m2 nhà đất nằm trong dự án làm bãi đậu xe của Nhà máy Bia Tiger. Bà con bức xúc: "Chỉ trong vòng 4 ngày kể từ ngày nhận quyết định, chúng tôi buộc phải tháo dỡ nhà và giao mặt bằng cho nhà đầu tư và buộc phải nhận tiền (700 ngàn đồng/m2) nếu không sẽ bị tạm gửi vào ngân hàng, đồng thời sẽ bị cưỡng chế. Quá bức xúc chúng tôi kéo nhau lên phòng tiếp dân của UBND quận, gặp Chủ tịch UBND quận và ông nói bà con cứ yên tâm, chúng tôi sẽ làm việc lại với nhà đầu tư và sẽ làm việc lại với bà con. Thế nhưng 1 tháng sau chúng tôi nhận được quyết định cưỡng chế, ngày 25/6/2003 chúng tôi tiếp tục nhận được giấy mời của UBND Q.12 thông báo triển khai quyết định cưỡng chế. Vì sao UBND Q.12 lại bỏ qua những trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của chúng tôi?

Sau khi xem xét vụ việc, xét thấy có dấu hiệu vi phạm về khiếu nại - tố cáo, ngày 29/3/2004, UBND TP Hồ Chí Minh có công văn số 1617 giao Chủ tịch UBND Q.12 ban hành giải quyết khiếu nại lần đầu đối với nội dung khiếu nại của chúng tôi. Ngày 16/4/2004, UBND Q.12 ban hành quyết định số 10/QĐ-UB thu hồi toàn bộ 21 quyết định và thụ lý hồ sơ của chúng tôi để giải quyết lại từ đầu theo trình tự của Luật Khiếu nại - tố cáo. Sau khi thu hồi các quyết định cưỡng chế nói trên, UBND Q.12 ban hành một quyết định khác nâng giá lên được gần 3,8 triệu đồng/m2. Chính quyền địa phương đã chạy đua với thời gian để bằng mọi cách thu hồi đất của chúng tôi. Còn về giá cả, theo Công ty TNHH Thẩm định bất động sản Hoàng Quân chi nhánh Chợ Lớn thì đất mặt tiền ở đây có giá khoảng 8 triệu đồng/m2, giá thực tế hiện nay là 12 triệu đồng, thì việc chính quyền địa phương đã áp đặt giá cả như trên và bắt chúng tôi phải thực hiện là điều hết sức vô lý". Đây là một dự án mà chủ đầu tư là Nhà máy Bia Tiger, rõ ràng mục đích ở đây là kinh doanh. Vì vậy, việc UBND Q.12 đứng ra thu hồi đất và áp đặt giá cả là sai với tinh thần Luật Đất đai.

Đó là những tồn tại điển hình mà người dân đang nóng lòng chờ đợi các cấp chính quyền giải quyết.

Hoàng Tạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.