Người hưởng lợi, kẻ lao đao

30/11/2014 08:30 GMT+7

Dầu mỏ là hàng hóa quan trọng nhất về mặt địa chính trị nên bất kỳ sự thay đổi nào về cấu trúc thị trường dầu sẽ tác động đến toàn thế giới.

>> OPEC quyết không giảm sản lượng dù giá dầu giảm
>> OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng dầu trong năm 2014

Một công nhân vận hành giàn khoan ở Mỹ
Một công nhân vận hành giàn khoan ở Mỹ - Ảnh: Bloomberg 

Các nước tiêu thụ nhiều năng lượng đã phải đương đầu với giá dầu cao hơn 100 USD/thùng từ đầu năm 2011 trong lúc phần lớn các nước phát triển cố bật dậy từ cuộc khủng hoảng tài chính.

 

Dầu tiếp tục rớt giá

Biểu đồ về giá dầu tiếp tục đi xuống hôm 29.11 khi giá dầu thô của Mỹ giảm thêm 7,54 USD, cán mốc 66,15 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9.2009, theo AFP. Còn giá dầu brent rớt xuống 70,15 USD/thùng mặc dù trước đó, có lúc chỉ còn 69,78 USD/thùng. Giá dầu brent giảm khoảng 40% kể từ tháng 6, do nhu cầu dầu giảm trên toàn cầu cùng với sự bùng nổ sản lượng khai thác từ dầu đá phiến ở Mỹ. Nhiều nhà phân tích cũng cảnh báo giá dầu còn xuống sâu hơn. Một chuyên gia Mỹ tên John Kilduff nhận định: “Dầu thô Mỹ có thể sẽ giảm giá thêm vài USD vào tuần tới”. Còn quan chức dầu mỏ đầy quyền lực ở Nga Igor Sechin khẳng định giá dầu có thể chạm mức 60 USD hoặc thấp hơn vào giữa năm 2015.

Danh Toại

Giai đoạn giá dầu thấp kéo dài sẽ giải tỏa bớt áp lực cho các nước này. Mặt khác, các nước sản xuất dầu phải xem xét lại kế hoạch chi tiêu do thất thu ngân sách.

Hầu hết những nước sản xuất năng lượng không có nền kinh tế đa dạng, như Nga hoặc các quốc gia vùng Vịnh sẽ thất thế, ngược lại các nước tiêu thụ như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác sẽ được lợi.

Trung Đông và Bắc Phi là nơi có nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ nhất thế giới. Khu vực này chiếm gần 1/3 lượng xuất khẩu dầu thô và khí đốt hóa lỏng vận chuyển bằng đường biển.

Do vậy, đây là khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất trước sự biến động của thị trường năng lượng toàn cầu. Giá dầu giảm kéo dài sẽ phá hoại sự ổn định kinh tế của nhiều nhà xuất khẩu năng lượng trong khu vực theo sau những biến loạn của phong trào Mùa xuân Ả Rập.

Mặc dù vậy, nguồn dự trữ ngoại hối từ những năm dư dả nhờ giá dầu cao giúp bảo vệ một số nền kinh tế như Ả Rập Xê Út, Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) trước biến động của giá dầu trong ngắn hạn. Những nước khác không có may mắn như thế. Chi tiêu ngân sách cao và những vấn đề kinh tế trong nước khiến Iraq (vốn bị tàn phá bởi chiến tranh) và Iran (vốn bị các lệnh trừng phạt bó buộc) cần đến giá dầu cao hơn 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách.

Bất kỳ biến động giá dầu nào cũng ảnh hưởng mạnh đến Nga. Nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng chiếm một nửa ngân sách chính phủ và 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của Nga. Chiếm 80% nguồn thu năng lượng, dầu khí là yếu tố quan trọng nhất trong sự ổn định tài chính của chính phủ Nga. Dự toán ngân sách 2015 của chính phủ Nga trông cậy vào mức giá dầu trên 100 USD/thùng và các quan chức nước này đang thảo luận về việc giảm đáng kể con số đó.

Người ta vẫn chưa quên rằng giá dầu lao dốc vào nửa cuối thập niên 1980 từng góp phần khiến Liên Xô tan rã vì mất đi nguồn thu sống còn. Giờ đây, Nga một lần nữa nhiều khả năng sẽ hứng chịu những chấn động từ thị trường dầu trong bối cảnh nền kinh tế bị xói mòn do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ngoài ra, trong năm 2015, Nga dự kiến sẽ mở màn chương trình chi tiêu quốc phòng 10 năm đầy tham vọng, phân bổ khoảng 77 tỉ USD cho năm đầu tiên. Hiện chưa rõ chương trình này sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Giá dầu giảm còn khiến Tổng thống Vladimir Putin gặp khó khăn trong việc duy trì các chương trình chi tiêu xã hội vốn cần thiết để bảo đảm sự ủng hộ của người dân.

Tương tự Nga là Venezuela. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 28.11 đã ra lệnh cho chính phủ cắt giảm ngân sách quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào dầu, theo AFP. Ông Maduro kêu gọi giảm đáng kể tiền lương của các quan chức cấp cao trong chính phủ, từ các công ty quốc doanh cho đến các bộ và cả lương của tổng thống.

Cũng theo Tổng thống Maduro, Bộ trưởng Kinh tế Venezuela Rodolfo Marco Torre sẽ đến Trung Quốc vào tuần tới để “củng cố hợp đồng kinh tế và tài chính” với Bắc Kinh nhằm giúp Caracas bù đắp khoản thiếu hụt nguồn thu từ dầu. 

Tác động với Đông Á

Tại Trung Quốc, giá nhiêu liệu rẻ sẽ giảm áp lực tài chính lên các nhà sản xuất và doanh nghiệp nhỏ vào thời điểm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đang giảm dần. Còn ở Nhật, giá cả giảm sẽ làm phức tạp nỗ lực của chính phủ nhằm chấm dứt giảm phát.

Tại Indonesia, giá dầu giảm có thể giúp xoa dịu căng thẳng sau khi nổ ra các cuộc biểu tình vì quyết định cắt giảm trợ cấp xăng dầu của chính phủ.

Tương tự, Malaysia cũng tận dụng giá dầu thấp để chấm dứt trợ giá nhiêu liệu. Dù tiết kiệm được khoản trợ cấp lên đến gần 7 tỉ USD vào năm ngoái, các chuyên gia kinh tế cho rằng sự sụt giảm đột ngột của giá dầu sẽ tác động tiêu cực đến Malaysia, một nước xuất khẩu dầu.

Theo AP, các nghị sĩ đối lập dọa sẽ tổ chức các cuộc biểu tình nếu chính phủ không giảm giá xăng xuống 58 cent/lít vào tháng tới.

Tại Philippines, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Zenaida Monsada cảnh báo nếu dầu tiếp tục giảm giá, người lao động của họ ở nước ngoài sẽ mất việc. Philippines nằm trong số những nước xuất khẩu lao động hàng đầu thế giới, với 1/10 dân số (Philippines có 100 triệu dân) làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước sản xuất dầu tại Trung Đông. Họ gửi về nước hàng tỉ USD để hỗ trợ cho gia đình và nền kinh tế đất nước.

Tình trạng ngân sách của các quốc gia xuất khẩu dầu lớn

Tình trạng ngân sách của các quốc gia xuất khẩu dầu lớn

Sơn Duân

>> Nhiều hãng hàng không vẫn lỗ dù giá dầu giảm
>> Sẽ có một “OPEC lúa gạo”?
>> Nửa thế kỷ OPEC - hài lòng và lo ngại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.