'Người Pháp không bị khuất phục !'

18/11/2015 09:00 GMT+7

Những chuyến tây du trước, người Pháp đón tôi bằng tình bằng hữu. Lần này, ngoài tình thân, người Pháp trao cho tôi một ánh nhìn, một vòng tay của tinh thần liên đới và sự kiên định khi vừa trải qua biến cố kinh hoàng.

Những chuyến tây du trước, người Pháp đón tôi bằng tình bằng hữu. Lần này, ngoài tình thân, người Pháp trao cho tôi một ánh nhìn, một vòng tay của tinh thần liên đới và sự kiên định khi vừa trải qua biến cố kinh hoàng.

Biểu ngữ "Chẳng sợ đâu" nổi bật tại quảng trường République - Ảnh: Lan ChiBiểu ngữ "Chẳng sợ đâu" nổi bật tại quảng trường République - Ảnh: Lan Chi
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, việc làm thủ tục đối với mọi hành khách chuẩn bị lên đường sang Paris phải mất nhiều thời gian hơn bình thường. Nhân viên của Vietnam Airlines hỏi đi hỏi lại về mục đích chuyến đi và yêu cầu tôi xuất trình những giấy tờ có liên quan. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, chị bảo: “Mong chị thông cảm, phía Pháp yêu cầu những hãng hàng không có chuyến bay đến nước này đều phải kiểm tra thật kỹ”. Tuy mất nhiều thời gian nhưng hầu như chẳng hành khách nào phàn nàn. Mọi người đều hiểu, những hình ảnh về vụ tấn công tại Paris ngày 13.11 đã làm rúng động cả thế giới.
Trên máy bay, tôi ngồi kế một đôi bạn trẻ. Natasha, người vùng Bretagne, tây bắc Pháp và anh bạn trai Franco, người Argentina vừa đi du lịch ở Đông Nam Á, trước khi về nhà sẽ ghé Paris chơi vài ngày. Natasha nói: “Những ngày này đúng là không thích hợp để đi chơi ở Paris nhưng chúng tôi không ngại. Nhưng ghé thăm Paris bây giờ là để chia sẻ với những gì người dân thủ đô vừa trải qua và để cho thấy người Pháp, dù ở đâu, cũng sẵn sàng xích lại gần nhau để mạnh mẽ hơn”. Nghe tôi hỏi có thấy sợ không, bạn cười, trả lời: “Ai mà không có chút lo lắng chứ, vậy nên thay vì dùng tàu điện để đi từ sân bay về, tôi và Franco đi taxi cho an tâm. Lo nhưng vẫn ghé thăm Paris, và thăm bạn. Nhất là khi bạn tôi dặn ở lại càng lâu càng tốt vì mấy ngày này ở một mình, tự nhiên thấy sợ sợ, có người đến ở chung để chuyện trò thì lòng cũng bớt nặng nề”.
Cũng như Natasha, rất nhiều người dân Paris những ngày qua ngại dùng phương tiện giao thông công cộng, ưu tiên lái xe hơi riêng. Kết quả là sáng 17.11, vào giờ cao điểm, vùng Île-de-France (thủ đô Pháp và các khu ngoại ô) kẹt xe chưa từng thấy. Cũng tại kẹt xe mà khi từ sân bay Paris Charles-de-Gaulle về, xe mất cả tiếng mới tới nơi, trong khi bình thường chỉ cần 20 phút là tới nhà vợ chồng bạn tôi. Trên đường cao tốc A86, bình thường tốc độ tối đa là 90 km/giờ mà có đoạn chỉ dài 2 km, xe “bò” mất 17 phút.
Quảng trường “tâm chấn”
Vừa về tới nhà, tôi cất vội đồ đạc, mua vé tàu để đi từ khu ngoại ô vào trung tâm Paris. Vừa xuống ở trạm Nation đã nghe thông báo: “Đường tàu RER A tạm gián đoạn vì phát hiện túi xách vô chủ ở nhà ga”. Chỉ là báo động, một hành khách đãng trí để quên đồ. Tôi lấy tiếp đường tàu điện ngầm số 9 để đến quảng trường République. Cả 5 vụ tấn công ở Paris vào ngày 13.11 đều nằm quanh quảng trường này. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của Pháp như lễ mừng ông François Hollande, ứng viên đảng Xã hội đắc cử Tổng thống Pháp năm 2012. Hay gần đây là cuộc tuần hành tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công ở tòa soạn báo Charlie Hebdo và siêu thị Do Thái hồi tháng 1.
Quảng trường République có thể xem là “tâm chấn” của chuỗi tấn công liên hoàn vừa qua, mới đây lại còn có báo động giả gây một phen hoảng loạn. Vậy mà mọi người vẫn có mặt rất đông quanh bức tượng Cộng hòa ở giữa quảng trường. Đập vào mắt tôi là tấm băng rôn với dòng chữ: “Chẳng sợ đâu!”. Hoa và nến đặt chật kín, xen vào đó là các bức vẽ, các dòng chia sẻ bằng nhiều thứ tiếng, có cả tiếng Việt. Có lẽ bà con người Việt tại Pháp đã đến đây, để lại dòng chữ đầy trân trọng: “Tôi là Paris. Chúng tôi đều là Paris”.
Mọi người đứng vòng quanh, lặng lẽ. Có một vài chị cầm hộp quẹt cẩn thận châm lửa lại những cây nến đã tắt. Kế đó, một anh mặc bộ vét trắng đứng yên, giơ tay ra, bên dưới đặt tấm giấy đề dòng chữ: “Miễn phí ôm, vì tình thân, vì hòa bình”. Cứ vài phút, lại có một người đến gần và ôm anh thắm thiết, không quen không biết, người cao tuổi, thanh niên đôi mươi, người da trắng, da đen, người Ả Rập... Họ trao cho nhau những cái ôm thật chặt để chia sẻ, để khẳng định nước Pháp vẫn đoàn kết và người Pháp đa dạng sắc tộc vẫn sẵn sàng bên nhau.
Vết thương chưa lành
Phía trên tượng đài trung tâm của quảng trường République vẫn còn dán vài tờ giấy đề biểu ngữ: “Tôi là Charlie”. Đây là những gì còn sót lại của cuộc tuần hành quy tụ hàng triệu người hồi tháng 1 để tưởng niệm nạn nhân của các vụ tấn công tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo và siêu thị Do Thái. Tấm giấy vẫn còn đó, tuy bị bong tróc nhưng vẫn có thể đọc rõ chữ. Người Pháp vẫn chưa nguôi nỗi đau buồn của biến cố hồi tháng 1 thì lại tiếp tục bàng hoàng với cơn ác mộng giữa đời thực ngày 13.11. Nhưng người Pháp sẽ không bị khuất phục, như Alexis, anh bạn trẻ cùng bạn đến đốt nến tại quảng trường République hôm qua: “Tôi còn trẻ, chỉ biết chiến tranh qua lời kể của ông bà, qua sách vở. Nghe tổng thống và thủ tướng nói về “chiến tranh ở nước Pháp”, tôi lo lắng chứ. Ai cũng biết khi Pháp tăng cường tấn công đầu não của IS ở Syria thì nguy cơ bị trả thù rất cao. Lo lắng nhưng vẫn phải đối diện. Tôi ủng hộ quyết định của tổng thống. IS đâu chỉ tấn công riêng nước Pháp. Phải chấm dứt chuyện đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.