Gặp đồng hương trên đường Xuyên Á

05/09/2007 15:40 GMT+7

Vài ba thập kỷ trước hàng vạn kiều bào Việt Nam ở Lào, Thái Lan...cứ sống trong lặng lẽ với nỗi nhớ quê hương nơi đất khách. Họ cứ tưởng quê hương đã vời vợi nghìn trùng, tưởng như không có ngày gặp lại người thân. Nhưng nay thì đã khác. Khi con đường Liên Á thuộc hành lang kinh tế Đông-Tây đã thông thương, họ như được hồi sinh và nhiều người đã có dịp về lại quê hương, đưa con cháu về thăm đất tổ. Tiếng Việt sau nhiều năm ít sử dụng, giờ mỗi ngày một trau chuốt hơn nhờ nhiều du khách từ quê nhà sang...

Anh Thavorn là một trong những người như vậy. Thavorn Nguyễn Văn là một người Việt thuộc thế hệ thứ hai sinh ra tại Mục Đa Hãn. Cha anh là cụ Nguyễn Hoàng đến Lào năm 1946 với nghề thợ rèn cung cấp khí giới cho cách mạng. Tên Việt của anh là Nguyễn Văn Quỳ, anh hiện là giám đốc công ty  Thai-Viet tour thành lập cách đây không lâu.


Chị Lò Thị Sủi ở Savannakhet

Cha mẹ anh cùng người anh trai đầu đã đi từ Quảng Trị đến Savannakhet ròng rã 3 tháng từ năm 1930. Khi nghe tin quân Pháp sẽ san bằng tỉnh này để tiêu diệt lực lượng cách mạng Việt Nam vào năm 1946, gia đình anh được lệnh của tổ chức “di tản” sang Mukdahan, Thái Lan. Một năm sau, Thavorn ra đời. Nhưng cũng như bao gia đình Việt kiều khác, gia đình cụ Hoàng không được nhập quốc tịch, chỉ làm một số công việc hạn chế và không được đi khỏi quá 30 cây số từ nơi cư trú. Trẻ em sinh ra chỉ được học hết cấp 1. Nhiều người bỏ trốn lên Bangkok làm ăn đã bị bắt lại. Lần đầu bị phạt 300 Bath; lần sau sẽ bị đưa vào nhà giam Lat Bua Khao bên hồ Paksong vô thời hạn.

Thavorn học hết tiểu học lại học nghề sửa radio, lấy vợ ở Mukdahan. Anh lại trốn lên Bangkok làm thuê, sửa TV độ nhật. Những ngày không có việc làm, anh phải nhịn đói. Anh kể: “Một hôm tôi vác cái TV vừa sửa xong đi giao cho nhà chủ. Vừa vào hiên nhà, con vẹt nói good morning liên hồi. Vẹt còn nói tiếng Anh được, tại sao mình là người mà không nói được! Tôi tự hỏi như vậy rồi quyết tâm tự học. Mỗi ngày học hai ba từ thôi. Đến khi nói được tiếng Anh, tôi quyết định xin đi làm hướng dẫn du lịch theo kiểu làm chui...”. Mãi đến năm 2006, ngày 25.4, Thavorn cùng nhiều Việt kiều khác được vào quốc tịch Thái Lan nhờ quan hệ ngoại giao giữa hai nước phát triển tốt đẹp. Anh coi đó như là ngày sinh nhật thứ hai của mình. Đến ngày 7.5, nghĩa là chưa đầy hai tuần lễ sau đó, anh được sở Du lịch Mục Đa Hãn bầu làm cố vấn cho đến nay và đứng ra lập công ty Thai-Viet Tours để kết nối du lịch với các tỉnh duyên hải Việt Nam, trong đó có Quảng Trị quê hương anh.


Tiệm vàng của vợ chồng anh Cường ở Pakse

Giờ đây, gia đình Thavorn Nguyễn Văn Quỳ đã ăn nên làm ra. Ba đứa con anh đều tốt nghiệp đại học và làm việc trong những công ty lớn. Anh đi về Việt Nam như cơm bữa.

Ở Mukdahan, tôi còn gặp nhiều gia đình khác, như vợ chồng anh chị Gái và Nguyễn Tân, chủ một tiệm ăn luôn đông khách ở xóm ngã Năm thuộc khu phố Soi Khang Moonniti, thành phố Mukdahan. Họ cùng quê ở Huế và thuộc thế hệ thứ hai. Cũng như Thavorn, anh Tân chị Bé giờ “sướng lắm” vì ngày nào cũng có khách bên nhà sang, các con đã nói được nhiều tiếng mẹ đẻ hơn.. Anh chị Lê Văn Chích và Trần Thị Đào (quê gốc Lệ Thủy, Quảng Bình) ở chợ đêm gần đó tuy có vẻ lam lũ hơn vì bán hàng trái cây từ 3 giờ chiều đến tận khuya, nhưng mỗi ngày cũng kiếm được 2-300 bath, cũng sắm được xe và cho con ăn học ..Đứa con gái út phụ hàng cho anh chị tuy nghe được tiếng Việt nhưng thỉnh thoảng lại vẫn Khop khun (cám ơn), Phop can may ( hẹn gặp lại) với cả khách mua hàng người Việt!

Chị Lò Thị Sủi, một chủ quán ăn ở ngã ba Seno, tỉnh Sanvannakhet ( Lào) thì quê tận ngoài Hà Giang.Cha đi lính cho Tây và bị điều sang Lào rồi ở lại luôn sau chiến tranh. Chị và anh em sinh ra trên đất khách, tiếng Việt đã quên đi khá nhiều. Đường sá thông thương từ hai năm nay nên chị Sủi đã đưa được chồng con về thăm quê cũ.


Chị Gái đang bán hàng ăn ở Mukdahan
Những kiều bào thành đạt nhất mà tôi đã gặp trên hành trình từ Thái Lan về Lào là giáo sư Lê Vy ở đại học Ubon hay anh thanh niên Thanik Khachonkittisakul ( tên Việt là Thọ), tổng giám đốc công ty lữ hành Thai2020 Travel vừa mới ngoài 30 tuổi. Thọ nói tiếng Việt trôi chảy và là một trong những doanh nhân đi đầu trong tổ chức các tour caravan về Việt Nam khá sớm. Thanik có hàng chục chi nhánh, đại lý khắp Thái Lan, Malaysia và Lào và nhờ đó Thai2020 đã trở thành 1 trong 4 công ty được hàng không Việt Nam chọn là đối tác tổ chức các tour du lịch song hành giữa đường bộ và đường hàng không. Hay vợ chồng chủ tiệm vàng lớn ở ngay cửa chợ mới Pakse tỉnh Champassak ( Lào) là anh chị Nhung và Cường (tên Lào là KhamKeuang Keovilaysack). Ngoài kinh doanh vàng bạc, đổi ngoại tệ  do vợ và con gái đảm trách, Cường còn là chủ đội xe du lịch hạng sang đưa khách về Việt Nam nên “hai việc bổ sung cho nhau rất tốt”, như cách anh kể bằng tiếng Việt...Khi được hỏi đã về Hà Tĩnh thăm gia đình được mấy lần, chị Nhung bảo: “ Cứ thích thì về, thuận lợi lắm!”

Gặp những đồng hương trên đường Xuyên Á lúc nào chúng tôi cũng được họ niềm nở đón tiếp, nói chuyện cho dù họ rất bận rộn với việc mưu sinh. Sau bao năm cách trở, gian truân và mong đợi, giờ đây, nói như lời anh Thavorn, “ai cũng muốn cả khu vực này yên bình để làm ăn sinh sống, qua lại thăm viếng tổ tiên, người thân và làm cho người dân nước nào cũng hiểu nhau, thương yêu nhau...”. Nhưng, có được vào thăm những tổ ấm gia đình của họ, chúng tôi mới thấy một không gian sống nguyên vẹn của người Việt với cách tổ chức gia đình, dạy dỗ con cái và thờ cúng tổ tiên. Gia đình nào cũng có ảnh bác Hồ treo ở nơi trang trọng nhất và hầu như ai cũng thuộc nhiều bài hát phổ biến từ những năm chống Pháp!

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.