Giúp đồng bào thoát nghèo với tre

25/04/2009 17:45 GMT+7

Ở tuổi gần 80, lịch làm việc của ông vẫn dày đặc: tổ chức sinh hoạt văn hóa hướng về cội nguồn dân tộc, dạy tiếng mẹ đẻ cho trẻ em, thanh niên trong cộng đồng người Việt, điều hành hoạt động của Hội Người cao tuổi VN duy nhất tại châu u...

Ít ai biết ông còn đang nghiên cứu, triển khai một dự án bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo cho người Việt từ... cây tre. Ông là Nguyễn Kim Anh, nguyên cán bộ Viện Viễn Đông bác cổ VN, định cư tại Hungary.

Định cư tại Nga rồi sang Hungary khi đã ở tuổi ngoài 50, ông Kim Anh lúc nào cũng trăn trở, buồn vì các thế hệ con cháu không mặn mà với tiếng Việt, văn hóa cội nguồn và dân tộc. Ông tâm sự: “Để mưu sinh, thế hệ trẻ phải giỏi tiếng Hungary để còn làm ăn, giao dịch. Bọn trẻ đến trường cả ngày.

Tiếng Hungary rất khó học nên chúng phải tập trung học để còn lên đại học. Tất cả khiến môi trường gia đình thuần Việt cũng sử dụng hoàn toàn tiếng Hungary trong gia đình”. Thế là ông Kim Anh tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, thi viết chữ trong cộng đồng người Việt. Ở đâu có ông, ở đó bọn trẻ bi bô nói tiếng Việt. Khi rảnh, ông nhận trông giùm trẻ nhỏ của các gia đình để tranh thủ dạy chúng tiếng quê nhà.

Càng sinh hoạt trong cộng đồng, ông cảm thông với những người cao tuổi luôn buồn phiền vì lạc lõng và nhớ quê hương. Ông đứng ra thành lập Hội Người cao tuổi VN tại Hungary với hơn 50 thành viên.

Ở mỗi buổi sinh hoạt hội, ông Kim Anh và các cụ đều nhắc nhở nhau về vai trò của người cao tuổi trong gia đình. Ông nói: “Chỉ có môi trường gia đình là thuận lợi nhất để các cụ giáo dục truyền thống, đưa văn hóa dân tộc vào tâm hồn con cháu”. Ông khoe: “Cháu trai tôi tốt nghiệp ngành tin học, sắp tới sẽ về VN làm việc dù bố mẹ nó sống bên đó. Với tôi, đó là món quà tuyệt vời nhất vì tôi cũng sẽ về VN sống và cống hiến nốt phần đời còn lại”. Và ông đã về với nhiều ấp ủ.

Đó là giấc mơ giúp đồng bào thoát nghèo với tre. Ông nhận thấy ở VN hiện có khoảng 100 triệu hecta tre nhưng chưa được quy hoạch trồng trọt và khai thác phù hợp. Thế là thời gian qua ông tự bỏ tiền túi đi hầu hết các nước đang khai thác cây tre để nghiên cứu công nghệ, quy trình sản xuất sản phẩm và công dụng của nó. Giờ ông có thể thao thao hàng giờ về những sản phẩm tiêu dùng làm từ tre.

Năm 2007, ông Kim Anh lặn lội sang Triết Giang, Phúc Kiến (Trung Quốc) - những vùng nổi tiếng ở nước này giàu lên nhờ cây tre. Bật máy tính xách tay, ông giới thiệu hàng loạt ảnh ông chụp, rất nhiều những lò yếm khí dùng để đốt than tre dọc các triền núi của hai vùng đất này.

Vốn trước đây chuyên nghiên cứu về chữ Hán tại Viện Viễn Đông bác cổ, ông lân la tìm hiểu và được giới thiệu đến ông tổ của nghề làm than tre. Trong đầu ông dần hình thành những mô hình thoát nghèo cho người Việt với những sản phẩm từ than tre. Hành trang của ông trở về Hungary nặng trĩu những cuốn sách, công trình, quy trình nghiên cứu than tre.

Tấm lòng của ông Kim Anh gặp được người đồng điệu. Tiến sĩ Chuang Tiến Vượng, Việt kiều Nhật - tổng thư ký Hội Người VN vùng Kansai, cho biết: “Việc triển khai công nghệ sản xuất sản phẩm từ than tre tại VN rất có triển vọng. Với khí hậu và thời tiết ở VN, việc sử dụng các sản phẩm từ than tre sẽ làm sạch không khí, khử mùi khi độ ẩm cao.

Quan trọng hơn cả, đó sẽ là hướng thoát nghèo cho người dân vùng đất bạc màu, trồng đơn giản và hiệu quả kinh tế cao. Ở Nhật Bản, sản phẩm từ than tre được sử dụng rộng rãi vì giá thành hợp lý, chống ô nhiễm môi trường. Với khả năng của mình, tôi sẽ cùng ông Kim Anh làm hết sức có thể giúp đồng bào còn khó khăn thay đổi cuộc sống”.

Một dự án được nghiên cứu tỉ mỉ, đầu tư thời gian, công sức cùng sự góp ý, tham gia của nhiều nhà khoa học tâm huyết đã được ông Kim Anh hoàn tất và làm việc với tỉnh Thanh Hóa. Ông ao ước: “Mong dự án sớm được triển khai ngày nào bà con sẽ được lợi ngày đó”.

Theo Hoàng Mai / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.