Kiều bào ngày trở về

23/01/2006 22:51 GMT+7

Mới 8 giờ sáng ngày 21/1, nhà chờ ga đến quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất đã đông nghẹt người. Họ dán chặt mắt vào lối ra, thấp thỏm, bồn chồn… Hễ thấy người khách Việt kiều nào xuất hiện, tất cả đều nhổm cả dậy. Dù không phải người nhà của mình, nhưng họ muốn hướng về nơi những cánh tay đang quàng vào nhau vội vã để chung niềm vui ngày đoàn tụ.

Gia đình bà Bảy Tịch ở Biên Hòa thuê nguyên một chiếc xe 12 chỗ ngồi chở người nhà tới sân bay Tân Sơn Nhất để đón con trai. 10 giờ 30 phút máy bay mới hạ cánh, nhưng đoàn người đã “bài binh bố trận” ở nhà chờ từ lúc 8 giờ sáng. Bé Bo chạy lăng xăng nói với người này rồi chạy sang người khác: "Máy bay tới là con chạy ra ôm bố". Bà Bảy lấy tay kéo cái lưng quần thằng bé lên, gắt yêu: "Nói một lần thôi, ai cho mày ra đó mà ôm". Thằng bé tiu nghỉu đút ngón tay vào miệng ngồi bệt xuống đất. Bà Bảy kể, con trai bà thất lạc trước giải phóng, lúc đó mới 13 tuổi. Năm 1998 thì liên lạc được với gia đình, hiện đang định cư tại Mỹ. Năm 2002 về Việt Nam cưới vợ nhưng chưa có điều kiện đưa vợ con sang. Bà Bảy kéo thằng Bo ngồi lên đùi mình rồi nói: "3 tuổi rồi nhưng chưa được gặp bố".

Không chỉ có gia đình bà Bảy chộn rộn ở nhà ga đến. Người đông quá, khiến một nhiếp ảnh gia người nước ngoài phải rất khó khăn tìm tư thế và góc độ để dí ống kính vào rừng người ở nhà chờ. Bất thần, ông đứng vụt dậy, chĩa ống kính vào một người phụ nữ sang trọng trong bộ váy màu đen, đang ôm ghì lấy một bà cụ già nua, móm mém. Hai người phụ nữ, một già, một trẻ cứ đứng ôm nhau mà khóc làm cho những người đang chen lấn phải đứng khựng lại. Nhưng rồi mọi người lại cười rộ lên khi thấy một bé gái nhỏ xíu mặc bộ đồ truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc, chập chững đi bên cạnh mẹ. Nào dì, nào cô, nào chú, nào cậu (có lẽ thế) nhào tới nhấc bổng em bé lên rồi chuyền tay nhau. Hình như không chịu được những cái hôn tới tấp của người lớn, cô bé khóc ré lên, đẩy mọi người ra rồi bập bẹ một câu gì đó bằng tiếng Hàn. Người mẹ đang cong người đẩy chiếc xe chất đầy hành lý quay sang dịch lại câu nói đó cho người nhà nghe khiến họ phá lên cười. Ngay cửa ra vào, một cô gái người nước ngoài khoác tay một thanh niên người Việt đang nhìn dáo dác. "Huy, mệ đứng chỗ ni!". Anh chàng xô đoàn người lao tới chỗ một bà già đang vẫy vẫy tờ giấy "Mệ đón Tonny Huy". Người bà nhón chân, đưa hai bàn tay nhăn nheo áp chặt vào má cháu. Cô gái người nước ngoài nãy giờ đứng một mình bỗng tiến lại phía hai bà cháu một cách bẽn lẽn. Người bà hồ hởi nói với hai người đàn ông, quần ống cao ống thấp đang đặt dép ngồi mé đường: "Thằng cháu nội tui kể đó". Khi ba người đã lên taxi, hai người đàn ông vẫn còn cãi nhau về việc cô gái đó là người Nga hay là người Mỹ.

10 giờ sáng, nhà chờ không còn chỗ chen chân. Những người tới đón phải ghi tên người thân vào một tờ giấy rồi giơ cao lên. Có người còn sáng tạo bằng cách treo tên người thân lên một chùm bóng bay. Một phụ nữ tóc nhuộm vàng, mặc chiếc váy màu vàng, ôm một bó hồng vàng đang cố chen chân để lọt qua đoàn người tới chỗ người chồng đang đứng nhìn ngơ ngác. Chị nhảy lên giữa đám đông: "Em đây này!". Nhưng hình như người chồng không nghe thấy. Chị cáu lên nói như muốn khóc: "Chồng em đứng đó kìa, làm ơn giãn ra...", nhưng hình như cũng chẳng ai nghe thấy.

Một bà má người Củ Chi ôm một bó hoa đồng tiền rất lớn. Má nói mua tới 60 ngàn đồng nhưng con gái má lại rất thích nên dù đắt như vậy, má vẫn mua. Chỉ còn vài chục phút nữa là máy bay hạ cánh, nhưng má không biết làm cách nào để con gái má nhận ra. Má kể, trước năm 1975, con gái má là một cô giáo dạy lớp 4. Một hôm nó đi dạy và không thấy về. Má khóc riết. Hôm 30.4 năm nay, có người bạn định cư ở nước ngoài về Củ Chi thăm, bảo là gặp nó ở Ý. Từ đó, má liên lạc được với cô con gái út. Kể đến đây, bà lại khóc. Những người đi cùng thay nhau an ủi nhưng vẫn không sao ngăn được cơn xúc động của bà.

Không để ý đến những tiếng nấc nghẹn ngào của bà má Củ Chi, 5 người phụ nữ luống tuổi ngồi bên cạnh, vừa nhóp nhép nhai trầu, vừa chuyện trò rôm rả. Họ nói hết công suất để át đi những tiếng ồn ào, giống như một dàn hợp xướng không có nhạc trưởng. Người đàn bà trắng bóc, cổ quàng chiếc khăn voan, từ lúc gặp lại cố nhân tới giờ nói chuyện không ngơi nghỉ. Lúc thì thấy bà cao hứng trong một câu chuyện vui, lúc lại thấy đôi mắt bà chớp chớp, không giấu được những giọt nước mắt. Những người đang ngồi chờ người thân bị cuốn vào câu chuyện của 5 người bạn hơn 30 năm rồi mới gặp lại. Trước đây, 5 cô gái tham gia vào phong trào thanh niên, hoạt động trong những năm cuối trước khi miền Nam được giải phóng. Đùng một cái, một cô "theo chồng bỏ cuộc chơi". Ngày cô ấy đi, bí mật chứ không phải được người đưa kẻ đón. Gia đình cô không chịu được những lời ra tiếng vào của bà con chòm xóm, đã bỏ quê, nghe nói là lên Tây Nguyên sinh sống. Hơn 30 năm cô gái không dám quay về. Cô gái ngày ấy, giờ đã 63 tuổi, nói trong nước mắt: "Bước xuống sân bay, không dám ngẩng đầu lên nhưng không ngờ lại được đón tiếp như thế này". Một người đàn ông đi đón con gái làm việc ở Đài Loan, bỏ cái nón lá ra khỏi đầu rồi hỏi: "Bà có ở lại để tìm gia đình...". Bà Việt kiều gạt nước mắt: "Tôi sẽ lên Tây Nguyên!". Tất cả như chùng lại trong tiếng thút thít của bà già.


Từng đoàn người tiếp đón thân nhân từ nước ngoài về ăn Tết.
Tiếng của cô nhân viên phát ra từ chiếc loa phát thanh: "Ai là người nhà của Lưu Thị Lựu?". Vài phút sau, một nhân viên nữ giơ cao tấm bảng ghi chữ "Lưu Thị Lựu" đi xung quanh nhà chờ. Bà vợ đứng gần tôi giục ông chồng: "Ông vào coi người ta có ghi lộn tên không?". Ông chồng trạc 45 tuổi, mặc một bộ com-lê trắng đã úa màu đang bứt rứt vì chiếc cà vạt quá chặt, ông  lấy tay day qua day lại rồi nói: "Luyến với Lựu sao lại lộn nhau được". Dù nói thế nhưng ông chồng vẫn chen trong đám người đi tới chỗ phát ra tiếng thông báo. Một lát sau, người ta đã thấy ông đẩy một cô gái ngồi trên xe lăn với lỉnh kỉnh các loại hành lý. Chân người mẹ khuỵu xuống, những người xung quanh phải dìu bà mới đứng dậy được. Con gái bà đi xuất khẩu lao động ở Malaysia đã 2 năm, nhưng nó bị tai nạn. Gia đình không có tiền để qua đưa về. Nay những người đi cùng hết hợp đồng làm việc, con gái bà mới được về cùng. Nhưng cô gái ngồi trên xe lăn thì cười tươi rói khi một đứa em chạy tới quàng vào cổ cô một vòng hoa lan tím ngắt.

Nhìn những bước chân vội vã, những ánh mắt tìm kiếm, mới thấy những người Việt Nam xa quê mong ngóng đến ngày này như thế nào. Có người thì Tết nào cũng về nhưng cũng có rất nhiều người vì lý do gì đó chưa quay về. Nay lần đầu tiên được trở về Việt Nam đón Tết, có người thì hét lên sung sướng, có người lại đứng lặng lẽ khi được bạn bè và người thân ra đón. Một người phụ nữ sang trọng trong chiếc áo lông thú màu đen trân người ra đứng nhìn rừng người. Bỗng một người hét lớn: "Thúy, Thúy!". Cô gái thả cái va ly treo lủng lẳng một mảnh giấy ghi dòng chữ Thuy American rồi nhào tới ôm chầm lấy người phụ nữ vừa gọi tên mình. Những người xung quanh giãn ra. Ngồi chờ em gái mòn mỏi từ 8 giờ sáng tới giờ, người chị kể lại, gia đình cô ở Đồng Nai, vượt biên qua Mỹ năm 1975. Lúc đó, cô đã có chồng nên không thể đi cùng. Nay cha mẹ cô đã mất, chỉ còn lại người em gái, nhưng lại không dám về. Thuyết phục mãi, em gái cô mới tự tin về Việt Nam đón Tết lần đầu tiên, kể từ ngày ra đi.

Nụ cười và nước mắt vẫn đang hòa quyện nhau ở sân bay Tân Sơn Nhất trong những ngày giáp Tết.

Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.