Người Việt xa xứ - "lời" vì được ăn 2 Tết

16/02/2007 20:06 GMT+7

Gần đây trên Thanh Niên Online có một bài viết về kiều bào Pháp, nhắc tâm sự của một kiều bào: "Những người Việt xa xứ sống một cuộc đời không trọn vẹn, không trọn vẹn là người Việt mà cũng không trọn vẹn là người Pháp...". Tôi thì vì bản chất ham vui, nên nghĩ một cách lạc quan rằng, người Việt xa xứ được sống một lúc hai cuộc đời: cuộc đời Việt và cuộc đời của dân bản xứ, như vậy thì "lời" lắm chứ sao gọi là thiệt thòi được? Còn nói về Tết thì năm nào cũng được ăn cả hai cái: Tết Tây và Tết ta, thiệt là đã!

Thành phố Gainesville nơi tôi sống nhỏ lắm, chỉ có trường đại học. Nó là một "thành phố đại học" như Ann Arbor ở tiểu bang Michigan. Viện Đại học Florida còn đông sinh viên hơn Viện đại học Michigan, nhưng thành phố Gainesville thì nhỏ hơn nhiều. Dân cư chỉ chừng hơn 100 ngàn người. 50 ngàn sinh viên của trường đóng vai trò trung tâm trong các dịch vụ của thành phố. Chỉ có chừng hơn một trăm gia đình người Việt, một năm hai lần giúp sinh viên nấu phở bán gây quỹ để các em làm liên hoan văn nghệ nhân dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán.

Còn hai ngày nữa đến giao thừa, đi làm về, tôi ghé vào hai tiệm bán thức ăn Á đông của thành phố để tìm mua cặp bánh chưng cúng Tết. Chủ tiệm đều là Hoa kiều, họ không bán bánh chưng, chỉ có bánh gì làm bằng bột nếp trông giống như bánh tổ nhưng màu trắng (và đông lạnh, đưa từ New York về) và bánh gì nhỏ hình dánh như bánh ú, không biết gói gì ở bên trong. Một sinh viên nhân dịp hôm nay đi Orlando tình nguyện mua hộ cặp bánh chưng.

Cuối tuần này trời lại lạnh trở lại nhưng mùa đông ở Florida thì chẳng nhằm nhò gì so với mùa đông ở Canada mà tôi đã sống nhiều năm. Giao thừa là thời khắc tôi yêu thích nhất của thời gian chộn rộn đón Tết, từ khi còn ở quê nhà và những năm sống xa quê. Khi còn nhỏ thì chúng tôi cố gắng hết sức để thức chờ giờ trời đất chuyển sang năm mới. Cũng như trẻ ở đây cứ cố gắng thức đêm lễ Giáng sinh để được nhận tận tay quà của ông già Noel. Tôi thường không chống nổi cơn buồn ngủ nhưng cứ nằng nặc không chịu khuất phục để chui vào giường, rồi gục ngủ vạ vật trên bàn.

Thế là phải đến sáng mùng một, mấy chị em mới đứng xếp hàng thứ tự mừng tuổi bố mẹ và lãnh tiền lì xì. Lớn một chút, biết phụ với bố khi bố gói bánh chưng. Bọn tôi xin bố gói cho những cái bánh nhỏ xíu, xí phần mỗi đứa một cái. Năm nào nhà tôi cũng gói bánh chưng muộn, chúng tôi giành nhau thức canh nồi bánh chưng. Mùa đông trời se lạnh, ngồi cạnh bếp chuyện trò, hát hò, thay nhau canh ngọn lửa. Thức được một đêm trắng, bọn tôi rất lấy làm hãnh diện!

Giao thừa nào mấy chị em tôi cũng đi chùa lễ, và xin lộc đầu năm. Khi trở về, chúng tôi bao giờ cũng đùn đẩy cho một chị vào trước xông nhà, rồi mừng tuổi bố mẹ. Sau đó chúng tôi đem bánh mứt và bóc bánh chưng ăn, gia đình quây quần thật là đầm ấm. Rồi các chi tôi dần dần đi lấy chồng, rồi ba tôi mất. Tôi đi chùa năm nào cũng hái một nhánh lộc đem về tặng mẹ. Không năm nào hái lộc cho người yêu vì tôi cho rằng thật là lộc trời thì mỗi người chỉ xin được một nhánh. Nếu muốn hái bao nhiêu cũng được và tặng cho bao nhiêu người cũng được thì đâu còn gì là thiêng nữa!

Sau này một bài thơ Tết tôi viết ở châu u phần lớn hoài niệm về đêm Giao thừa.

Giao thừa không tiếng pháo
Không mái chùa đẫm hương
Trôi xa rồi, tà áo
Chồi lộc ngoan ngủ đông.

Tuyết trắng rơi đầy lòng
Mơ tàu tiêu rào rạt
Đêm bên nhà ấm áp
Ngào ngạt trang lá dong

Mẹ ngồi, nét thung dung
Tóc trong vành nhung thắm
Lời quấn quýt trầu thơm
Cậu đương châm trà vọng

Trang trọng phút giao mùa
Thì thầm trầm hương gọi
Ôi, thiêng liêng nguồn cội
Đã về ngồi đêm nay...

Đàn trẻ vang pháo tay
Bà mừng phong bao đỏ
“Phong này bà để đấy
Phần dì còn đang xa..”

(Tết xa nhà - Tiếng Mẹ)

Năm nào cũng vậy, từ sang tuổi mới lớn, sau giờ giao thừa hoặc sáng ngày mùng 1, tôi trịnh trọng khai bút bằng một bài thơ tứ tuyệt, bài nào cũng bắt đầu bằng "Xuân năm nay em vừa tròn...", nói những mộng mơ nhẹ nhàng... Từ khi xa nước, thay vì làm thơ, tôi khai bút bằng một lá thư viết cho mẹ. Năm nào cũng vậy. Trong sáu năm ròng rã, mỗi tuần tôi đều viết một hoặc hai lá thư cho mẹ, thư viết tay gửi bưu điện đàng hoàng chứ không phải "i-meo". Thư nào cũng dày bình bịch, kể lể đủ điều vớ vẩn hàng ngày. Từ mười năm nay sau ngày mẹ mất, tôi không khai bút nữa, mẹ đã ở cạnh tôi rồi, mỗi sáng mỗi đêm, mở mắt ra là thấy mẹ mỉm cười trên tấm ảnh để đầu giường.

Giao thừa này, chắc tôi cũng sẽ nấu vài món để cúng mặc dù tài nghệ nấu nướng của tôi thật lem nhem. Cuộc sống bận rộn lại càng là cái cớ để không có thì giờ nâng cao tay nghề trong bếp! Các chị em tôi, cũng như mọi gia đình khác, giờ này chắc tất bật thu xếp những công việc cuối cùng của ngày để chuẩn bị cúng giao thừa, đi lễ đầu năm, hái lộc, dâng hương. Tôi cũng sẽ cùng các chị hòa vào dòng người đi lễ ở ngôi chùa nhỏ thân yêu ngoại ô Đà Nẵng ấy. Một tháng 16 ngày trước đây tôi đã ăn Tết, bây giờ lại được ăn thêm một cái Tết nữa, còn ai được đầy đủ niềm vui hơn tôi? 

Chúc tất cả các bạn độc giả TNO một năm mới, nếu không được sống hai cuộc đời, thì ít nhất cũng được nhân đôi mọi niềm vui!

P.T.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.