Paris muôn mặt đời thường

12/01/2008 09:56 GMT+7

Paris hoa lệ. Paris - thủ đô văn hóa của thế giới. Paris với những công trình lịch sử. Paris với tháp Eiffel, với bảo tàng Louvre, với nhà thờ đức bà Paris, với dòng sông Seine xuyên ngang thành phố thơ mộng... Ai không từng mơ được một lần đặt chân tới Paris. Vậy nhưng sống ở Paris không phải dễ dàng.

Ngày tôi sang Pháp định cư cùng chồng con, cuộc sống của tôi hoàn toàn bị đảo lộn. Từ một phóng viên năng động ở VN, tôi bất đắc dĩ biến thành người nội trợ. Một phụ nữ từ nước ngoài về Paris với một đứa con nhỏ dưới 3 tuổi và không phải là triệu phú thì khó thoát khỏi tình trạng này.

Nhà trẻ công ở Paris thiếu chỗ đến thậm tệ. Bình quân có ba cháu đăng ký thì chỉ có một cháu được nhận. Ai đăng ký trước sẽ được nhận trước. Đăng ký xong phải chờ đợi một, hai năm mới có chỗ là chuyện thường. Vì thế tất cả bà mẹ mang thai đến tháng thứ sáu là phải vác bụng đi đăng ký chỗ ở nhà trẻ cho con rồi. Trước tình trạng này, nhiều bà mẹ phải "dày mặt", phải "cùn" để có chỗ sớm. Người thì đến tòa thị chính hằng ngày khóc lóc, có người lại "cả gan bỏ con" lại cho nhân viên tòa thị chính trông để đi làm thì mới đạt mục đích!

Mỗi nền văn hóa đều có điểm mạnh và điểm yếu của nó. Thách thức đối với những người mang hai dòng máu là lựa chọn những gì tinh túy nhất của mỗi bên để làm thành cái của riêng mình mà không bị "bùng nhùng" ở giữa.

Tất nhiên người ta cũng có thể gửi con đến nhà trẻ tư hoặc thuê người đến nhà trông con. Nhưng chỉ một số rất ít người ở Paris có khả năng chấp nhận được chi phí này. Ví dụ nếu bạn thuê riêng một người trông con hằng ngày, trường hợp phổ biến ở VN, thì bạn phải bỏ ra ít nhất mỗi tháng hơn 1.000 euro (23 triệu đồng). Trong khi đó lương bình quân của một người dân Paris khoảng 1.800 euro, trong đó họ phải trích lại ít nhất 1/3 cho tiền thuê nhà!
 
Còn ở nhà trẻ công thì mỗi tháng bạn phải trả cả thảy khoảng 150 euro thôi. Vậy là ai cũng cố gắng bám vào mấy nhà trẻ công hoặc mấy nhà trẻ kiểu hiệp hội, được nhà nước tài trợ. Tuy nhiên, nếu một trong hai vợ chồng không có việc làm thì khả năng rất lớn là bạn "yên tâm" ngồi nhà trông con, vì người ta không ưu tiên cho bạn. Tôi ở trong tình trạng này, và vô cùng run sợ trước viễn cảnh đó.

Có thể nói rằng Paris chỉ là thiên đường đối với một bộ phận nhỏ dân số, những người kiếm được nhiều tiền. Còn lại đa số dân Paris tuân thủ theo trình tự "boulot, metro, dodo" (làm việc, đi tàu điện ngầm, ngủ)! Con người bị cuốn vào guồng máy tẻ nhạt hằng ngày. Sức ép trong công việc vắt kiệt sức lực và thời gian của người Paris. 

Vậy là cuộc sống chủ yếu gói gọn trong phạm vi gia đình nhỏ. Các mối quan hệ xã hội được duy  trì ở mức tối thiểu. Bạn bè rất ít khi gặp nhau. Khi mới sang tôi thật sự sốc vì người ta dành thời gian cho nhau ít quá. Tôi nhớ nhịp sống thong thả ở Hà Nội, thèm những buổi gặp gỡ bạn bè không phải nghĩ đến thời gian.

Xã hội phương Tây giáo dục cho con người ta biết độc lập từ rất sớm. Mỗi người được giáo dục chỉ được trông cậy vào chính bản thân mình và phải tự bươn chải trong cuộc sống. Đây là điều rất thiếu ở VN. Tuy nhiên, cách giáo dục này ở phương Tây cũng có thể là con dao hai lưỡi. Nó giúp người ta trưởng thành sớm, nhưng đồng thời hướng người ta đến chủ nghĩa cá nhân, ai lo đường nấy, kẻ nào mạnh kẻ ấy thắng.

Mọi chuyện nhờ vả lẫn nhau, dù là rất nhỏ, đều được xem như những điều rất phiền phức. Những người có vấn đề riêng tư vì vậy thường sống khép kín chứ không có điều kiện để tâm sự, chia sẻ. Tôi cảm thấy lối sống quá độc lập của người phương Tây nói chung hay người Pháp nói riêng góp phần dẫn đến sự cô độc của họ, bởi lối sống đó làm mạng lưới gia đình cũng như xã hội trở nên mỏng manh hơn.

Điều tôi lo lắng là làm sao truyền được văn hóa Việt, tâm hồn Việt cho con cái khi sống xa quê hương. Việc này thật không đơn giản khi hằng ngày đến trường chúng tiếp xúc, giao tiếp hoàn toàn với cộng đồng người Pháp, tiếp nhận nền giáo dục và văn hóa Pháp. Làm sao để con cái sau này tự tin với dòng máu pha trộn Pháp - Việt? Bởi tôi vẫn nghe nói những người mang hai dòng máu thường có tâm lý rất phức tạp, đôi khi gặp khó khăn trong việc xác định chỗ đứng tinh thần của mình.

Con tôi còn nhỏ nhưng đây là vấn đề tôi bắt đầu phải quan tâm tới. Con gái tôi 6 tuổi đã có lần nói với tôi: "Mẹ ơi, con chỉ thích là người Pháp thôi, không thích là người Việt Nam đâu". "Tại sao?". "Vì ở trường các bạn bảo con là Trung Quốc, mắt bé tí mà sụp xuống!". Tâm hồn trẻ nhạy cảm và dễ tổn thương. Sống ở Pháp tôi càng phải để ý nhiều hơn đến những chi tiết này để giúp con tự tin.

Ngôn ngữ là phương tiện chính để truyền đạt văn hóa. Gia đình có thể đảm đương nhiệm vụ này. Sắp tới nghe nói sẽ có "Nhà văn hóa Việt Nam" tại Paris. Những hoạt động của trung tâm này sẽ vô cùng quý giá để truyền bá hình ảnh của đất nước ra châu u. Hơn nữa, nó sẽ giúp những người VN sống xa quê hương hiểu hơn về bản sắc đất nước mình, hiểu hơn bản sắc của chính mình, giúp họ "tìm được mình" dễ dàng hơn.

Theo Thi Hương/báo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.