Vui Tết sớm ở xứ Đài

18/01/2006 09:28 GMT+7

Không thể tả hết được những niềm vui sướng hân hoan trên nét mặt những người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở Đài Loan trong buổi chiều ngày 15/1 - khi chương trình "Vui đón xuân mới 2006" mở màn (chương trình do Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc cùng Uỷ ban các Vấn đề lao động và chính quyền Đài Bắc tổ chức). Với tôi, cái Tết Việt (dù là Tết sớm) đầu tiên ở nước ngoài đã đẩy cảm xúc từ hết cung bậc này đến cung bậc khác, đầy bất ngờ và quyến rũ...

Áp tải bánh chưng vượt biên giới

Những chiếc bánh chưng - bị liệt vào hàng thực phẩm cấm nhập theo quy định của phía Đài Loan - mà mang trót lọt được qua cửa an ninh sân bay Đài Bắc quả là một sự kỳ công. Nhưng, những chiếc bánh chưng vuông vức nhỏ bé đã mang đến một niềm vui, niềm xúc động vô cùng lớn đối với những công nhân Việt đang phải ăn một cái tết dân tộc xa quê hương...

Biết tôi có nguyện vọng được đón Tết với người lao động VN đang làm việc ở nước ngoài, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Giám đốc Cty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC - vốn là Trung tâm Tralacen, thuộc Traenco) - mời cùng đi "áp tải" bánh chưng, báo xuân, lịch tết, mứt kẹo... sang Đài Loan cho người lao động - một truyền thống của công ty từ nhiều năm qua.

Đi chuyến này, tôi còn muốn nhân thể tìm gặp Tuyết - một đứa cháu gái quê Nông Cống, Thanh Hoá đang làm việc ở Nhà máy điện tử Hồng Quán (TP. Trung Lịch, Đài Loan) - để mục sở thị tình hình của cháu, về "tường trình" với gia đình...

Những chiếc vali bánh chưng to tướng, qua cửa kiểm tra an ninh sân bay Đài Loan, được giấu khéo léo dưới những vali báo và hàng hoá khác mới mong không bị "soi" đến. Tuy nhiên, rốt cuộc cũng phải nhờ đến sự can thiệp khéo léo của Trưởng ban Quản lý lao động VN tại Đài Loan - ông Nguyễn Bá Hải - chúng mới ra cửa sân bay trót lọt.

Không khí Tết đã trùm lên nhịp sống ở Trung Lịch (một thành phố cách Đài Bắc chừng 50km về phía nam). Đúng rằm tháng chạp, hai bên đường nhiều người dân đốt vàng mã (một phong tục rất giống VN). Khói trắng vương khắp thành phố. Mặc dù vậy, tại ký túc xá của công nhân VN ở Nhà máy điện tử Nam Á (thuộc Tập đoàn Formosa), buổi sáng 14/1 không khí yên ắng lạ lùng.

"Công nhân đi làm ca đêm, giờ này họ ngủ bù" - Trang Gia Vi, Giám đốc nhân sự nhà máy giải thích. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20 phút sau khi được thông báo, cái ký túc xá 5 tầng khang trang rộn rã hẳn lên. Hàng trăm công nhân ùa xuống quây quần lấy chúng tôi.

Ký túc xá này có 500 người Việt ở, chia làm 3 khu. Bánh chưng, báo xuân, lịch Tết và mứt kẹo không thể chia đủ cho mọi người, nhưng chỉ với sự có mặt của chúng, nhiều nữ công nhân mau nước mắt đã khóc nức nở vì vui sướng, vì nhớ nhà, vì cảm nhận Tết đến...

Thúy - một công nhân quê Hoà Bình, đại diện cho bạn bè lên nhận bánh chưng từ tay Giám đốc Nhàn - nghẹn ngào cho biết đây là cái Tết thứ hai của cô trên đất Đài, rằng cô nhớ quê, nhớ mẹ... Tôi hỏi thăm công việc một cô gái tên Thu (quê Bắc Ninh) đang ngấu nghiến đọc một tờ báo xuân, cô bảo đã sang đây hơn 2 năm, thu nhập bình quân khoảng gần 1.000 USD/tháng, trừ đi thuế má, tiêu pha... đã gửi về được 20.000 USD.

Cường - một mày râu hiếm hoi ở nhà máy - cũng vui vẻ cho biết, anh gửi về nhà được khoảng 650 USD mỗi tháng. Ở VN, Cường đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (tiếng Trung), được nhà máy phân công làm phiên dịch...

Còn tại Nhà máy điện tử Lực Đắc, nơi có đến 700 lao động VN (toàn nữ) làm việc, không khí đón Tết sớm có vẻ trầm lặng hơn. Trương Thị Hiền (quê Quỳ Hợp, Nghệ An) khóc sướt mướt khi gặp chúng tôi. Bạn bè cho biết cha cô mới mất vì xơ gan hai hôm trước. Hỏi có nhắn gì cho mẹ, cô khóc trước ống kính: "Mẹ ơi, khi bố mất con không có nhà. Mong mẹ đừng buồn. Con sẽ cố gắng làm việc để trả nợ nần, để nhà mình hết nghèo, hết khổ...".

Thực ra, không khí trầm trầm ở đây không chỉ vì Hiền mà là do một tháng nay nhà máy không có nhiều việc làm thêm, thu nhập của công nhân giảm đôi chút. Mặc dù vậy, Phạm Thị Hoài (quê Cẩm Giàng, Hải Dương) không tỏ ra quá thất vọng. Cô bảo: "Nhà máy thiếu việc chỉ là tạm thời. Hy vọng sang tháng, bọn em lại có nhiều việc như trước".

Tình hình lao động VN trong các nhà máy của Đài Loan thời gian qua khá sáng sủa. Ông Lê Cao Hưng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Golden Brother, một trong những đối tác lớn của AIC - cho biết, Công ty môi giới lao động Gia Hưng (một thành viên của Golden Brother) đã tuyển hơn 4.000 lao động VN, và tới đây sẽ tiếp tục tuyển nữa. Nhu cầu lao động ở lãnh thổ này (nhất là trong lĩnh vực điện tử và may mặc) còn rất lớn... Riêng Công ty AIC, chỉ tính 10 ngày đầu năm 2006 đã đưa sang hơn 50 lao động (tổng số lao động do công ty đưa đi hiện ở Đài Loan là 6.200 người)...

Một chiều tuyệt vời

Ông Nguyễn Bá Hải - Trưởng ban Quản lý lao động VN tại Đài Loan - rủ tôi về Đài Bắc dự chương trình "Vui đón xuân mới 2006" do ban tổ chức lúc 14h ngày 15/1. Mới 12h trưa, khán phòng 1.000 chỗ ngồi của Trung tâm văn hóa Đài Bắc đã không còn một khoảng trống. Phía ngoài, hàng trăm người khác vẫn đang cố gắng để vào trong.

Ông Hải hồ hởi: "Chúng tôi thực sự bất ngờ. Chưa năm nào đông như năm nay". Họ là những người Việt đang sinh sống, học tập hoặc lao động đến từ khắp nơi trên lãnh thổ Đài Loan. Đài Loan hiện có hơn chục vạn người Việt, trong đó người lao động khoảng 8 vạn, "cô dâu Việt" khoảng 5 vạn, chưa kể một lượng lớn du học sinh...

Chương trình cực kỳ cảm động và vui. Ngay việc những người Việt được gặp nhau đã là vui lắm rồi. Chúng tôi được thưởng thức hàng loạt bài hát và điệu múa truyền thống của VN do chính những lao động tình nguyện biểu diễn.

Tiếng cười thỉnh thoảng lại rộ lên khi có ai đó may mắn trúng các phần thưởng mà các nhà tài trợ đưa ra, có máy ảnh kỹ thuật số, thẻ điện thoại trả trước; trong đó có chương trình đố vui về luật lao động dành cho người nước ngoài - một chương trình thực sự bổ ích.

Trịnh Ngọc Hoa, làm giúp việc ở Đài Loan đã được 3 năm, cười rất tươi khi bước lên sân khấu nhận phần thưởng: "Đó là trò chơi đố tiếng Quan thoại và thật may là tôi đã thắng".

Ngoài tiền sảnh, những người không thể vào bên trong lại nhận được một niềm vui khác khi được ban tổ chức phát lịch VN. "Đúng là một buổi tuyệt vời, được nghỉ làm, nói chuyện với bạn bè và gặp gỡ toàn người Việt" - Bùi Thị Liễu (quê An Lão, Hải Phòng) đang chăm sóc sức khỏe cho một cụ bà 80 tuổi bị liệt ở Đài Bắc - hào hứng nói.

Do đặc thù công việc, suýt nữa Liễu đã không được đến đây, may sao phút cuối gia đình cô làm đã đồng ý cho đi với điều kiện phải đưa cả cụ bà đến buổi lễ. Liễu đã làm ở Đài Loan 4 năm (đã hết một hợp đồng 3 năm, quay lại lần hai)...

Nhìn những nữ lao động khán hộ công (chăm sóc người ốm) đang tíu tít tay bắt mặt mừng với nhau, ông Nguyễn Bá Hải thoáng ưu tư. Ông bảo, thật tiếc là do một bộ phận lao động bỏ trốn (hiện khoảng 10%) nên phía bạn đã dừng tiếp nhận lao động trong lĩnh vực giúp việc gia đình và khán hộ công, trong khi nhu cầu ở thị trường Đài Loan còn rất lớn.

Theo ông Hải, nhu cầu đi Đài Loan làm giúp việc gia đình ở trong nước cũng rất lớn. Nghề này đặc biệt phù hợp với những lao động phổ thông không kể lứa tuổi, tiền đóng ban đầu thấp trong khi lương rất ổn định.

Từ 1999 đến nay, VN đã đưa gần 60.000 lao động loại này sang Đài Loan. Tuyệt đại đa số có môi trường làm việc tốt (trung bình tiết kiệm được 200 triệu đồng/3 năm), chỉ có khoảng 2% rủi ro do không hợp với gia chủ.

Ông Hải bảo, do nỗ lực chống lao động bỏ trốn của cả 2 phía (đặc biệt là phía VN), dự kiến trong tháng 2.2006 phía bạn sẽ nối lại tiếp nhận lao động giúp việc và khán hộ công. Nếu đúng, đó sẽ là một tin vui đến sớm.

oOo

Rốt cuộc thì không phải tôi đến thăm Tuyết mà cháu đã chủ động đi taxi đến gặp khi biết tôi đang ở Lực Đắc - cách chỗ cháu ở chừng 3 cây số. Thật vui khi Tuyết thông báo rằng nhà máy của cháu (NM Hồng Quán) không hết việc để làm. Qua 4 tháng cháu đã gửi về cho gia đình ở Nông Cống được hơn 2.000 USD.

"Thế có gửi thêm tiền về không, chú cầm hộ?" - tôi hỏi. "Không. Tiền cháu chủ động gửi vào tài khoản của công ty, chừng nào đủ 2 nghìn đô mới gửi về một lần. Chú về bảo với nhà là cứ yên tâm về cháu. Chúc quê ăn Tết vui"...

Theo Xuân Quang/Báo LĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.