Xài xe hơi trên đất Mỹ

20/11/2004 23:25 GMT+7

Tại Mỹ, người gốc Việt ta thường đi làm, đi học bằng những loại xe nhỏ, có bốn chỗ hoặc hai chỗ. Những gia đình đông người thường mua thêm một chiếc xe du lịch từ 8 - 12 chỗ dành riêng cho kỳ nghỉ cuối tuần. Người ta cũng có thể sắm những loại xe giống như xe buýt (bên này gọi là van) nhưng trong xe được trang bị nội thất như một căn hộ thu nhỏ đầy đủ tiện nghi. Như vậy, họ dễ dàng đi vòng quanh nước Mỹ kể cả vào mùa đông lạnh giá mà không cần phải thuê khách sạn lo nơi ăn chốn ngủ.

Ô tô quan trọng "như máu thịt"

Nhà của mọi người dân bên Mỹ rất ít khi nằm san sát nhau, và chỉ để ở chứ không được tận dụng mặt tiền mở tiệm tạp hóa. Tất cả những cửa hàng tạp hóa cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm... phải có giấy phép và tập trung một nơi. Các văn phòng làm việc, nhà máy, hãng, xưởng,... cũng cách nhà nhiều tiếng đồng hồ lái ô tô. Ở Mỹ nếu không có xe thì thật khó đi làm, đi chợ, shopping, đi chơi,... Nhiều tiểu bang có diện tích hàng trăm ngàn km2, vì thế nếu bạn không có xe thì bạn cứ giậm chân tại chỗ, không thể tiến hành công việc.

Ai cũng ý thức rõ rằng, ở bất cứ quốc gia nào, xe cộ là những tế bào máu của đời sống và nền kinh tế. Khi người Việt bước chân sang định cư tại Mỹ, việc quan trọng đầu tiên họ làm chưa phải là tìm một công việc "kiếm cơm", mà là tậu ngay một chiếc xe phục vụ nhu cầu đi lại.

Sắm ô tô

Ở Mỹ, tùy theo túi tiền, việc mua xe rất dễ dàng. Tuy nhiên, những người mới sang định cư, vì chưa hội đủ sự tin cậy đối với bên bán xe nên họ thường phải mua đứt và thanh toán bằng tiền mặt. Những người ở Mỹ sau một thời gian dài có thể mua xe bằng phương thức trả góp. Riêng tôi, cách đây sáu năm khi đặt chân lên đất Mỹ, ba tháng tiếp đó tôi thi bằng lái rồi mua chiếc xe Mazda bốn chỗ đời 90 với giá "bèo" 800 USD. Mua một chiếc xe loại này rất dễ, vì nó thuộc "dòng xe lạc hậu", chủ trước không thích sử dụng nữa, đề chữ "For Sale" bán giá bèo. Nếu bạn không chê bề ngoài xe "xuống mã", thì với số tiền rất nhỏ, bạn đã sở hữu ô tô rồi đấy! Xe do chính chủ đứng ra bán chứ không qua trung gian hãng xe nào cả. Bạn thân của tôi cũng mua xe dịp ấy tâm sự: "Bọn mình mới qua, tất cả đều tay trắng, chỉ mong có chiếc xe chạy tốt để đi làm là được!".

Tại Mỹ, chiếc xe của tôi bị xếp vào hạng xe cũ, chỉ còn đợi ngày vào "vicaxa". May sao, ba tôi là tài xế kiêm sửa xe khi còn ở Việt Nam nên đã kiểm tra máy xe và cho biết xe "đồng - sơn" khá xấu nhưng máy vẫn chạy tốt, yên tâm sử dụng! Tuy nhiên, sáu tháng sau khi mua xe, tay lái yếu lại thích phóng nhanh nên tôi điều khiển xe đụng vào xe khác. Trong sự cố đó, tôi là người có lỗi, nhưng vì có bảo hiểm nên tôi được công ty bảo hiểm tính giá thị trường bồi thường 2.400 USD thiệt hại xe móp méo không thể sửa được. "Hời" khoản tiền gấp ba lần lúc mua xe, thế là tôi thêm tiền chọn mua xe Ford đời 98 trông cũng "good looking" (đẹp mắt) với giá 5.000 USD. Chạy được khoảng hai năm thì tôi "For Sale" xe mình với giá 3.000 USD. Hiện nay tôi đã mua được xe mới nguyên chính hãng với giá trả trước ban đầu là 3.600 USD, khoản còn lại được trả dần trong 5 năm (góp 600 USD/tháng). Tóm lại, người Việt ta mới sang Mỹ thường mua xe "đi lên" từ những chiếc rẻ tiền.

Gọi 911 nếu gặp sự cố

Tôi chưa bao giờ bị hư hỏng ô tô trong lúc đang trên đường đi làm, nhưng đôi khi cũng thấy vài xe pan dọc đường do xì lốp, quên thay nhớt,... Khi xảy ra những sự cố như thế, nếu bạn chỉ có một thân một mình và lại không rành đường thì hãy gọi 911, đó là số điện thoại của cảnh sát cứu hộ. Nếu chưa trực tiếp đến được thì họ sẽ điện thoại chỉ dẫn cách xử trí hoặc gọi bộ phận cứu hộ giao thông đưa xe bạn về ga-ra gần nhất để sửa chữa.

Tại đâu và với ai thì tôi chưa dám khẳng định, riêng tôi chưa hề thấy vụ cướp xe hoặc chặn xe xin đểu ở Mỹ. Chỉ có trường hợp chủ nhân của những chiếc xe sang trọng và đắt tiền quên khóa cửa xe, thế là kẻ gian chui vào lục soát tài sản hoặc "mượn" xe vi vu vài ngày, sau đó vứt xe lại đâu đó... Khi gặp tình huống như vậy, người ta phải lập tức báo cảnh sát và công ty bảo hiểm. Trong vòng một tháng, nếu chiếc xe vẫn "biệt vô âm tín" thì phía bảo hiểm sẽ chi trả cho họ số tiền đúng trị giá xe.

Ở những nơi đất ít người đông và đường sá chật hẹp, nhất là trong đô thị, thật bất tiện khi phải điều khiển ô tô! Tại Mỹ, đường phố thật rộng lớn, nhiều lúc cao hứng bạn có thể cho phép mình chạy xe "thả ga" vài phút để thỏa cái thú hưởng cảm giác được làm "anh hùng xa lộ". Nhưng chú ý đừng bao giờ vượt đèn đỏ, tuy rằng thời gian đèn đỏ tại Mỹ được bật rất lâu, vì đó là một trong những tội nặng nhất khiến bạn dễ bị phạt vạ, thậm chí là bị tống giam.

Kỷ niệm với "nàng"

Những gì quen thuộc của mình bao giờ mình cũng cảm thấy yêu thương, bạn à! Xe cũng vậy! Trên đất Mỹ, xe đối với tôi như người bạn thân thiết. "Người bạn" này theo tôi mỗi ngày trên những nẻo đường đi làm, đi chợ, đi chơi thăm hỏi thân nhân, bạn bè. Mỗi người đều có một chiếc xe cho riêng mình nên đôi lúc bất đắc dĩ quá giang xe láng giềng sẽ nhớ chiếc xe đáng yêu ngay! Tôi yêu chiếc xe của mình đến mức đưa vào hãng "phăng" thêm phụ tùng để "người bạn" dự thi "hoa hậu" hội làng xe. Lần ấy "nàng" vào tận vòng bán kết đấy nhé! Kể ra tôi cũng "vang danh anh hào" rồi đó!

Nước Mỹ, mùa hè năm 2004

T.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.