Nhà Bush, 'danh gia vọng tộc' trên chính trường Mỹ

21/10/2015 08:31 GMT+7

(TNO) Việc ứng cử viên đảng Cộng hòa Jeb Bush tranh cử chức tổng thống Mỹ dấy lên làn sóng tranh luận liệu gia đình dòng họ Bush đầy quyền lực sẽ trở thành gia tộc đầu tiên ở Mỹ có ba thành viên làm tổng thống?

(TNO) Việc ứng cử viên đảng Cộng hòa Jeb Bush tranh cử chức tổng thống Mỹ dấy lên làn sóng tranh luận liệu gia đình dòng họ Bush đầy quyền lực sẽ trở thành gia tộc đầu tiên ở Mỹ có ba thành viên làm tổng thống?

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Jeb Bush - Ảnh: ReutersỨng cử viên Đảng Cộng hòa Jeb Bush - Ảnh: Reuters
Ông Jeb, từng giữ chức Thống đốc bang Florida trong giai 1999-2007, là người thuộc gia tộc Bush đầy quyền lực về chính trị và kinh tế. Ông là con trai của cựu Tổng thống George H. W. Bush và cựu đệ nhất phu nhân Barbara Bush, và là em trai của cựu Tổng thống George W. Bush, the tờ The Wall Street Journal (Mỹ).
Ông Jeb học trung học tại trường Phillips Academy, nơi cha ông từng học và sau đó học tại Đại học Texas. Ông kết hôn trong khi tham gia một chương trình du học ở Mexico. Sau khi làm việc cho một ngân hàng ở Venezuela một thời gian, ông Jeb về Mỹ “an cư lạc nghiệp” ở bang Florida, làm việc trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng.
Tại Florida, ông Jeb từng làm việc trong nhóm chiến dịch vận động tranh cử cho cha ông vào năm 1980 và 1988, và từng giữ chức thư ký thương mại dưới thời Thống đốc Florida, Bob Martinez. Ông Jeb hai lần tranh chức thống đốc Florida, đắc cử trong lần tranh cử thứ hai vào năm 1998 và tái đắc cử vào năm 2002. Sau năm 2007, ông Jeb trở về với giới kinh doanh.
Cựu tổng thống George W. Bush (phải) bắt tay cha ông là cựu tổng thống George H.W. Bush tại sự kiện khánh thành Trung tâm Tổng thống George W. Bush tại Đại học Southern Methodist ở thành phố Dallas, bang Texas (Mỹ) ngày 25.4.2013 - Ảnh: Reuters
Ông Jeb hồi năm 2008 từng bác bỏ tin đồn chạy đua vào Nhà Trắng, khi đó ông Barack Obama (đảng Dân chủ) đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu tiên. Ông George W. Bush, lúc còn giữ chức Tổng thống, từng tuyên bố rằng em trai ông có thể trở thành một “tổng thống vĩ đại” của nước Mỹ, theo tờ The Miami Herald (Mỹ).
Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử lần này, ông Jeb lại loại bỏ họ Bush trong logo tranh cử, chỉ đơn giản có tên “Jeb”, theo trang tin World Bulletin (Mỹ).
Giới phân tích nhận định động thái này của ông Jeb nhằm né tránh dư luận và cử tri phản đối “gia đình chính trị Bush”, bàn tán về việc ông dùng sức ảnh hưởng của gia tộc để có ưu thế trong chiến dịch tranh cử.
Thậm chí, buổi lễ khai mạc chiến dịch tranh cử của ông Jeb không có sự hiện diện của cha và anh trai ông. Bà Barbara Kellerman, một chuyên gia nghiên cứu chính trường Mỹ thuộc Đại học Harvard, cho biết bà “hơi nghi ngờ” sự vắng mặt cha và anh trai ông Jeb.
Một điều đáng chú ý khác là bà Barbara Bush, mẹ của ông Jeb, trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC hồi năm 2013, cho biết bà không muốn con trai của bà chạy đua chức tổng thống và “chúng tôi đã có đủ Bush” làm việc trong Nhà Trắng.
Ông George W. Bush (phải), lúc bấy giờ là Tổng thống Mỹ, tạm biệt em trai là Jeb Bush lúc còn đương nhiệm chức Thống đốc bang Florida, tại căn cứ không quân MacDill ở bang Florida ngày 9.5.2006 - Ảnh: Reuters
Ông Russ Baker, một nhà báo điều tra Mỹ, tác giả một quyển sách đào sâu về gia tộc Bush, nhận định gia tộc Bush là một trong số gia đình chính trị có ảnh hưởng nhất ở Mỹ, với hai vị tổng thống, một ứng viên tổng thống sáng giá và các thành viên khác còn là những chính trị gia đầy quyền lực.
“Gia tộc Bush đại diện cho lợi ích giới nhà giàu, và có một động lực mạnh mẽ thôi thúc họ tiếp tục nắm quyền và duy trì những lợi ích này”, ông Baker nhận xét.
Ông Jeb sẽ phải đối mặt với ứng viên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, phu nhân của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ông Bill vẫn còn sức ảnh hưởng trong chính trường Mỹ mặc dù dính vào vụ xì căng đan tình ái trước đây.
Tờ Chicago Tribune (Mỹ) cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 sẽ chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai “triều đại” Bush và Clinton ở Mỹ, “một đất nước lâu nay luôn tự hào bầu cử dân chủ, phản đối gia đình trị”.
Trong hệ thống chính trị hiện tại của Mỹ, những ứng cử viên tổng thống dù có gia tộc đầy thế lực nhưng chưa chắc có được nhiều lợi thế trong lúc vận động tranh cử, vì họ phải đối mặt với nhiều thách thức chính từ sự ảnh hưởng của gia tộc họ, theo bà Kellerman.
“Một trong số những điều thú vị về bầu cử Mỹ là không ai biết được điều gì sẽ xảy ra. Luôn có những yếu tố bất ngờ”, ông Baker cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.