Nhìn lại cuộc đối đầu Nga-Thổ qua phát ngôn của nguyên thủ

28/11/2015 16:50 GMT+7

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào tình trạng căng thẳng sau vụ việc máy bay ném bom Su-24 của Nga bị máy bay chiến đấu Thổ bắn rơi gần khu vực biên giới Syria ngày 24.11.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào tình trạng căng thẳng sau vụ việc máy bay ném bom Su-24 của Nga bị máy bay chiến đấu Thổ bắn rơi gần khu vực biên giới Syria ngày 24.11.

Câu chuyện Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi đã khiến 2 nước rơi vào một màn đấu khẩu quyết liệt - Ảnh: ReutersCâu chuyện Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi đã khiến 2 nước rơi vào một màn đấu khẩu quyết liệt - Ảnh: Reuters
Cuộc chiến ngoại giao giữa 2 bên vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Kể từ sau sự kiện trên, giới lãnh đạo của 2 nước liên tục có nhiều phát ngôn chống đối nhau. Tuy nhiên, trước vụ máy bay Nga bị hạ ngày 24.11, máy bay 2 nước cũng đã có vài lần đụng độ nhau gần đây.
Ngày 3.10, các tiêm kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn một máy bay quân sự Nga tham gia không kích tại Syria nhưng lại xâm phạm không phận Thổ. Đến ngày 16.10, Ankara bắn rơi một máy bay không người lái do Nga sản xuất xâm phạm không phận nước này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 24.11 nói sau khi quân đội nước này bắn hạ Su-24 của Nga rằng: “Tất cả mọi người cần tôn trọng quyền bảo vệ biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Cũng trong hôm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đáp trả: “Mất mát ngày hôm nay của chúng tôi là một cú đâm từ sau lưng do những kẻ đồng lõa với khủng bố thực hiện”.
Qua ngày 25.11, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglu cũng lặp lại ý của Tổng thống Erdogan rằng: “Tất cả những điều cần thiết cho an ninh của đất nước sẽ được thực hiện”. Thủ tướng Dmitry Medvedev thì tố cáo rằng: “trên thực tế, những hành động của Ankara đã chứng minh rằng họ bảo vệ cho Nhà nước Hồi giáo (IS)”.
Liệu những căng thẳng có được giải quyết trong cuộc gặp sắp tới của 2 vị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tại Paris, Pháp? - Ảnh: Reuters
Tổng thống Erdogan thì nói: “Không ai buộc chúng tôi phải im lặng khi an ninh biên giới và chủ quyền của chúng tôi bị xâm phạm”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tỏ thái độ nghi ngờ: “Chúng tôi thật sự lo ngại về việc cho rằng đó là một hành động bộc phát, chuyện đó (bắn rơi máy bay) giống với một hành động có chuẩn bị trước hơn”.
Sau khi Tổng thống Putin mô tả rằng chính quyền Tổng thống Erdogan trong vài năm qua đã theo đuổi chính sách hỗ trợ Hồi giáo hóa đất nước, nuông chiều các phần tử Hồi giáo cực đoan và thậm chí có thể là hợp tác với IS, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phản pháo rằng: “Làm sao có thể nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ là nước có 99% dân là người Hồi giáo được? Liệu tôi có thể nói rằng chính quyền Nga đang nỗ lực Cơ đốc hóa nước Nga?”.
Ngày 26.11, Tổng thống Putin nói: “Chúng tôi có cảm giác rằng giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cố tình lái mối quan hệ Nga-Thổ vào ngõ cụt”. Ông Erdogan đáp: “Những ai xâm phạm không phận của chúng tôi đều đáng bị xét xử”. Ông Putin sau đó nói rằng “những ai chơi trò 2 mặt với khủng bố chẳng khác nào đang đùa với lửa”.
Sau phát ngôn trên, Tổng thống Erdogan ngày 27.11 nói: “Ông Putin nói rằng những ai chơi trò 2 mặt với khủng bố là đùa với lửa. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông ấy”.
Đoạn kết của cuộc đối đầu này có thể xảy ra vào tuần tới khi 2 vị tổng thống gặp nhau tại Hội nghị biến đổi khí hậu tại Paris (Pháp). Ông Erdogan đã bày tỏ mong muốn gặp mặt đối mặt với ông Putin. Không ai đoán chắc được liệu 2 nước sẽ tiếp tục sự bế tắc, căng thẳng hiện nay hay sẽ hợp tác để hạ nhiệt tình hình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.