Nhóm nghị sĩ Mỹ thăm Tây Tạng, kêu gọi đối thoại với Đạt Lai Lạt Ma

18/11/2015 16:59 GMT+7

Một nhóm nghị sĩ Mỹ đã thực hiện chuyến viếng thăm hiếm hoi đến Tây Tạng, đồng thời kêu gọi Trung Quốc mở lại cuộc đối thoại với Đạt Lai Lạt Ma.

Một nhóm nghị sĩ Mỹ đã thực hiện chuyến viếng thăm hiếm hoi đến Tây Tạng, đồng thời kêu gọi Trung Quốc mở lại cuộc đối thoại với Đạt Lai Lạt Ma.

Nhóm nghị sĩ Mỹ do bà Nancy Pelosi dẫn đầu bất ngờ thăm Tây Tạng, kêu gọi đối thoại giữa Trung Quốc với Đạt Lai Lạt Ma - Ảnh: AFPNhóm nghị sĩ Mỹ do bà Nancy Pelosi dẫn đầu bất ngờ thăm Tây Tạng, kêu gọi đối thoại giữa Trung Quốc với Đạt Lai Lạt Ma - Ảnh: AFP
Một nhóm gồm 7 nghị sĩ của đảng Dân chủ do lãnh đạo của đảng này ở Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi dẫn đầu trong chuyến làm việc tại Trung Quốc tuần qua đã đến Tây Tạng gặp người dân ở vùng đất này, theo AP ngày 18.11.
Đây là chuyến đi hiếm hoi, được xem là đầu tiên của các nhà ngoại giao nước ngoài đến vùng đất Tây Tạng kể từ sau cuộc bạo loạn chống chính phủ xảy ra hồi năm 2008. Bắc Kinh kể từ đó đã hạn chế báo chí cũng như các nhà ngoại giao đến vùng đất nhạy cảm này.
Bà Pelosi, người lâu nay luôn chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, và đã đề nghị có chuyến đi khảo sát vùng Tây Tạng trong cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình nhân chuyến công du của ông đến Mỹ hồi tháng 10.2015, nói rằng cần có một giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở Tây Tạng.
Theo bà Pelosi, Chủ tịch Tập Cận Bình từ chối để Tây Tạng độc lập, trong khi lãnh đạo tinh thần đang sống lưu vong ở nước ngoài Đạt Lai Lạt Ma chỉ muốn Tây Tạng được tự trị, quan điểm này luôn được phía Mỹ ủng hộ.
“Nếu họ (chính phủ Trung Quốc) nghĩ đến độc lập thì ông ấy (Đạt Lai Lạt Ma) chỉ nói đến sự tự trị, chúng ta chỉ ủng hộ sự tự trị, vì vậy tôi nghĩ cần tìm ra một cơ hội để có tiếng nói chung”, bà Pelosi được Reuters trích phát biểu trong 1 cuộc họp báo.
Người dân Tây Tạng - Ảnh: AFP
Người đứng đầu của đảng Dân chủ ở Hạ viện cho rằng chuyến đi của các nghị sĩ Mỹ đến Tây Tạng có ý nghĩa quan trọng đối với mong muốn làm cầu nối của Mỹ trong việc giúp hòa giải và hiểu nhau hơn giữa Bắc Kinh và Tây Tạng.
Tuy nhiên ông Jim McGovern, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề nhân quyền của Hạ viện Mỹ, cho rằng chuyến đi không phải không có những giây phút căng thẳng đến mức “nảy lửa” giữa đoàn nghị sĩ Mỹ với giới chức Trung Quốc.
“Vài vấn đề xảy ra tranh cãi nảy lửa hơn những vấn đề khác. Tôi không thể nói chắc chắn rằng chính phủ Trung Quốc sẽ đồng ý làm điều này, điều kia nhưng tôi không tin mọi cánh cửa đều đóng”, ông McGovern nói, theo Reuters.
Trung Quốc bắt đầu kiểm soát Tây Tạng từ năm 1950. Bắc Kinh luôn cáo buộc Đạt Lai Lạt Ma kích động gây bạo động ở Tây Tạng, kể cả phong trào tự thiêu kéo dài trong nhiều năm, nhằm phản đối chính sách của Bắc Kinh lên vùng đất này.
“Tôi tin Đạt Lai Lạt Ma là một phần của giải pháp, không phải là vấn đề, cho việc giải quyết những đối đầu về sự tự trị của Tây Tạng”, ông McGovern chia sẻ, đồng thời kêu gọi một cuộc đối thoại để thực hiện nguyện vọng, mong muốn của người dân Tây Tạng là tự do thực hiện đạo Phật và giữ gìn văn hóa, theo AP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.