Những bé gái không được chào đời ở Ấn Độ

31/07/2007 16:46 GMT+7

Trong những ngày qua, báo chí đã đưa rất nhiều thông tin về việc phát hiện nhiều túi nhựa đựng các thai nhi tại thị trấn Nayagarth thuộc bang Orrisa, Ấn Độ. Vụ việc kinh hoàng này làm dấy lên mối lo ngại về nạn phá bỏ phôi thai nữ tại đất nước này.

Trước khi xảy ra vụ việc trên, người dân cũng phát hiện 7 bộ hài cốt của các bé gái dưới chân một ngọn núi thuộc ngoại ô thị trấn Nayagarth. Người ta nghi ngờ những bộ hài cốt này liên quan đến việc phá bỏ phôi thai nữ, hậu quả của tâm lý trọng nam khinh nữ tại Ấn Độ.

Mới đây nhất, bi kịch gia đình của một triệu phú Ấn Độ cũng đã gây sốc cho người dân nước này. Chị Pooja Satolia, vợ của một nhà tư bản công nghiệp, đã tố cáo chồng ép buộc chị phải bỏ hai phôi thai gái còn trong bụng. Không những thế, ông này còn ép vợ phải quan hệ với hai người anh chồng để sinh cho bằng được con trai. Sau khi nhận được đơn kiện của chị, chính quyền thành phố Ahmedabad, bang Gurajat đã cho bắt giữ người chồng, hai anh trai và 7 người thân khác có liên quan. Satolia nói: “Phá bỏ thai nhi nữ được xem là bình thường ở các gia đình giàu có. Theo truyền thống của chúng tôi, con gái không mấy quan trọng, nhưng tôi không thể chịu đựng được hơn nữa và đó là sự sỉ nhục”.

Phân biệt giới tính vẫn đang là một vấn đề phức tạp ở Ấn Độ, nơi tình trạng trọng nam khinh nữ còn rất phổ biến ở các vùng nông thôn. Tại một quốc gia mà nền kinh tế dựa vào nông nghiệp là chính thì người đàn ông luôn giữ một vai trò quan trọng trong lao động. Họ cũng là người chăm sóc cha mẹ khi về già. Mặt khác, hủ tục về số của hồi môn mà cô dâu bắt buộc phải mang cho phía nhà trai khi cưới là quá lớn (nếu không có sẽ bị gia đình nhà chồng sỉ nhục) khiến cho con gái bị xem là “thứ đồ lỗ vốn”. Vì vậy, nạn nạo phá thai ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ ở nông thôn mà nó còn lan đến các tầng lớp trung lưu ở thành thị, đặc biệt là kể từ khi xuất hiện công nghệ siêu âm. “Ở đất nước chúng tôi, siêu âm vô tình trở thành một loại vũ khí giết người hàng loạt. Thay vì dùng chúng để cứu mạng thì ngược lại, điều mà chúng tôi thấy mỗi ngày là hàng triệu thai nhi nữ bị phá bỏ trước khi chúng chào đời” - học giả Sabu George lên án mặt trái của công nghệ siêu âm.

Chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh cấm việc phân biệt giới tính và lựa chọn giới tính trong sinh đẻ từ năm 1994. Tuy nhiên, các gia đình vẫn qua mặt chính quyền bằng cách hối lộ cho bác sĩ để phá thai khi phát hiện bào thai là bé gái. Năm 2006, trong một loạt phóng sự có tiêu đề Án mạng trong bào thai, hai nhà báo của một kênh truye62n hình Ấn Độ đã phát hiện khoảng 100 bác sĩ đang chuẩn bị thực hiện việc phá thai nữ bất hợp pháp. Phóng sự đặc tả cảnh các bác sĩ nói chuyện một cách bình thản đến mức đáng sợ về việc đem chôn bào thai. Họ không hề quan tâm đến các sinh mạng nhỏ bé kia, họ chỉ chăm chăm vào công việc có thể giúp họ kiếm được một khoản tiền chừng vài nghìn rupee cho mỗi ca phá thai như vậy.

Theo báo cáo năm 2006 của một nhóm các nhà nghiên cứu Ấn Độ, ước tính khoảng 10 triệu bé gái bị giết khi còn là bào thai tại Ấn Độ trong vòng 2 thập kỷ qua, liên quan đến việc lựa chọn giới tính. Trong khi đó, số liệu do Bộ Y tế nước này cho biết có khoảng 5 triệu thai nhi nữ bị phá bỏ mỗi năm. Điều này đã gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Theo thống kê của Chính phủ, tỷ lệ giới tính ở Ấn Độ hiện nay là 930 nữ/1.000 nam. Tỷ lệ này tại các thành phố lớn càng chênh lệch hơn. Theo một khảo sát gần đây, tỷ lệ giới tính tại quận Defence Colony (New Delhi) là 882 nữ/1.000 nam. Vì vậy, đàn ông ở Ấn Độ hiện nay rất khó tìm được vợ. “Đây là một thực trạng rất đau lòng và đáng xấu hổ tại Ấn Độ” - Swami Agnivesh, một nhà hoạt động xã hội và tôn giáo nổi tiếng của Ấn Độ, nhận định.

Tình trạng nạo phá thai ở Ấn Độ đã đến mức báo động đỏ, nó đã trở thành một thảm họa quốc gia. Bộ trưởng phụ trách phát triển phụ nữ và trẻ em, ông Renuka Chowdhury, đã phải lên tiếng kêu gọi: “Nếu quý vị không muốn có con gái, cứ sinh chúng ra và giao cho chúng tôi. Chính phủ sẽ nuôi dạy chúng trưởng thành. Xin đừng giết hại chúng”. Lời kêu gọi như là một nỗ lực trong tuyệt vọng của Chính phủ Ấn Độ nhằm ngăn chặn thực trạng đau lòng trên.

Minh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.