Những giả thuyết trong vụ cựu nhân viên tình báo bị đầu độc

26/11/2006 23:24 GMT+7

Trả lời tuần báo Courrier International, Andrei Soldatov, một chuyên gia Nga về tình báo, người lập và điều hành trang tin điện tử về các vấn đề an ninh agentura.ru, giải thích vì sao dư luận cần xem xét những kịch bản khác nhau trong vụ cựu nhân viên FSB Anlexander Litvinenko bị đầu độc.

* Ông là người quen biết Litvinenko và đã từng phỏng vấn nhân vật này năm 2003 ở London, 2 năm sau khi ông ta chạy trốn khỏi nước Nga. Ông nghĩ thế nào khi nhận được tin về vụ đầu độc?


Chuyên gia Soldatov
- Nói thẳng là rất nghi ngờ. Alexander Litvinenko là một người gây nhiều tranh cãi, thường là mâu thuẫn. Từ khi bỏ trốn, ông ta đã tung ra đủ thứ "tiết lộ" và tuyên bố rùm beng về cơ quan mật vụ Nga, chỉ để được báo chí nói đến. Một số tin tức của ông ta rất khó tin, số khác thì hoàn toàn không đúng sự thật, ví dụ như việc khẳng định nhân vật số 2 của al-Qaeda là Zawahirri đang làm việc cho tình báo Nga... Tôi tin rằng Litvinenko đơn giản là không thể tiếp cận được những thông tin và tài liệu mà ông ta dẫn chiếu đến trong các lời cáo buộc. Tất cả những điều đó khiến cho mỗi khi nghe nói đến ông ta, người Nga lại tự hỏi: Lại là ông ta, chuyện gì nữa vậy?

* Trên báo chí phương Tây, Litvinenko được mô tả như một người "đào tẩu", "cựu nhân viên KGB"... Ông có đồng ý?

- Không, bởi vì Litvinenko không phải là kẻ đào thoát theo nghĩa mà người ta sử dụng thời chiến tranh lạnh, thậm chí cũng không phải là một điệp viên đúng nghĩa. Trước khi Liên Xô sụp đổ, ông ta chỉ là một trung úy trẻ trong một đơn vị tác chiến thuộc Bộ Nội vụ. Sau đó, khi KGB chuyển thành FSB, ông ta cũng chỉ là một sĩ quan công an làm việc trong các bộ phận chống tội phạm có tổ chức và tham nhũng. Ở vị trí đó, ông ta chủ yếu cộng tác với các đội cảnh sát hình sự của Moscow. Tại đây, ông ta lập được vài chiến công và được Bộ Nội vụ tặng huân chương. Sau đó, ông ta được chuyển về một đơn vị rất nhiều tai tiếng của FSB là OuRPO (Cục Giám sát và hành động chống tội phạm có tổ chức), có lúc được mệnh danh là "đội tử thần của FSB", Cục này hiện nay đã bị xóa sổ. Chính vào thời điểm cuối đó, năm 1998, ông ta tự làm mình trở nên nổi tiếng bằng việc tổ chức một cuộc họp báo để tiết lộ rằng đơn vị của ông ta được lệnh thủ tiêu nhà tài phiệt Boris Berezovsky, khi đó là thư ký Hội đồng an ninh Nga.

* Nhưng nước Anh đã trao cho ông ta quy chế tị nạn chính trị rồi sau đó là cho ông ta nhập quốc tịch Anh...

- Đúng, nhưng không phải với tư cách là "người đào thoát" khỏi FSB. Sau cuộc họp báo nói trên, Litvinenko nhiều lần bị truy tố trước pháp luật. Bị kết án, ông ta phải ngồi tù một năm trong trại giam đặc biệt của FSB: người ta có thể nói các cấp lãnh đạo FSB đã trả thù ông ta vì đã đưa chuyện nội bộ ra trước công luận. Nhưng như ông ta đã nhấn mạnh trong các cuốn hồi ký, những gì ông ta biết về FSB chẳng thu hút được sự quan tâm của các cơ quan phản gián Mỹ đã cất công phỏng vấn ông ta.

* Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận thấy trong vụ đầu độc Litvinenko dấu ấn của KGB thời chiến tranh lạnh và ngay lập tức so sánh với vụ nhà ly khai Bulgari Gueorgui Markov bị đầu độc bởi một chiếc ô?

- Không nên lẫn lộn. Gần đây hơn, trong những năm 1990, cũng có những vụ đầu độc tương tự. Tôi chỉ xin đơn cử vụ dân biểu Yuri Chtchekotchkhine, người điều tra về các vụ nổ được gán cho quân khủng bố Tchechen năm 1999. Hay âm mưu đầu độc Anna Politkovskaya bằng một tách trà trên chuyến bay đến Beslan để đưa tin về vụ bắt cóc con tin... Xét ở góc độ này, mối liên hệ Politkovskaya, Tchechen, Litvinenko, FSB có vẻ như logic, thậm chí quá logic. Nhưng có phải là do FSB? Tôi không thể nói điều đó. FSB có dám đầu độc Litvinenko? Có. Đã bao giờ cơ quan này sử dụng biện pháp đó? Đã. Nhưng tôi không tin họ ấu trĩ đến mức làm chuyện đó trên đất Anh.

* Ai có lợi trong vụ này?

- Về lý thuyết là rất nhiều người. Nhóm xung quanh Berezovsky hoặc các nhà tài phiệt lưu vong khác chẳng hạn, từ nay họ có thể mô tả Putin như một thủ lĩnh cử người đi khắp châu u để giết hại những phần tử đối lập, hoặc là những người "yêu nước" thân cận với Putin, trước tình hình "hỗn loạn do kích động" nên muốn giữ thêm một nhiệm kỳ thứ ba cho tổng thống để tránh cho đất nước khỏi chìm đắm. Tất nhiên đây là suy đoán đơn thuần, những giả thuyết về âm mưu không thể nào không đề cập khi nói đến các cơ quan mật vụ. Nếu đi đến cùng, cũng phải hình dung ra một liên minh khó tin giữa hai thế lực trên, một kịch bản mà nếu đúng thì thật là thảm họa cho nước Nga.

V. L (Theo Courrier International)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.