Những vụ đảo chính và âm mưu tại Thổ Nhĩ Kỳ

16/07/2016 18:31 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15.7 lại phải trải qua một cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Erdogan. Trong 50 năm qua, nước này không ít lần lâm vào những hoàn cảnh tương tự.

Trong 50 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua một số lần đảo chính và âm mưu đảo chính, trong đó có 4 lần chính quyền đương nhiệm bị lật đổ, theo Reuters ngày 15.7.
Cuộc đảo chính năm 1960
Đây là cuộc đảo chính đầu tiên của Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ. Các sĩ quan và học viên tại các trường quân sự ở 2 thành phố lớn là Istanbul và Ankara tiến hành cuộc đảo chính đẫm máu vào ngày 2.5.1960. Ngày hôm sau, tướng Cemal Gursel, chỉ huy lực lượng bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu cải cách chính trị tuy nhiên không được chấp thuận. Ông từ chức và lãnh đạo cuộc đảo chính.
Uỷ ban thống nhất quốc gia gồm 38 thành viên là các lãnh đạo được thành lập và ông Gursel làm chủ tịch. Đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Adnan Menderes và Tổng thống Celal Bayar bị lật đổ vào ngày 27.5.1960 vì bị cho là rời xa những cải cách dân chủ của đất nước, thay vào đó là hợp pháp hoá lời kêu gọi cầu nguyện bằng tiếng Ả rập, siết chặt hoạt động báo chí. Có 601 người bị xét xử trong đó 464 người bị kết tội. Thủ tướng Menderes bị xử tử và tướng Gursel nắm giữ 2 chức Thủ tướng và Tổng thống đến năm 1961.
Cuộc đảo chính bằng biên bản năm 1971
Những bất ổn về kinh tế cuối những năm 1960 là căn nguyên dẫn đến cuộc đảo chính năm 1971, theo đài ABC (Úc). Kinh tế thụt lùi, đồng tiền mất giá và lạm phát gia tăng gây ra hàng loạt cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Tháng 3.1971, tham mưu trưởng quân đội Memduh Tagmac trao một biên bản ghi nhớ cho Thủ tướng Suleyman Demirel, yêu cầu về một chính quyền đáng tin và vững mạnh được truyền cảm hứng từ quan điểm của Mustafa Kemal Ataturk, vị tướng sáng lập Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Demirel từ chức vài giờ sau đó. Nhiều quan chức được chỉ định điều hành đất nước đến năm 1973, khi sĩ quan hải quân về hưu Fahri Koruturk được đưa lên làm tổng thống.
Giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chỉ đạo vụ đảo chính ngày 15.7.2016 AFP
Cuộc đảo chính năm 1980
Thập niên 70 là thời kỳ hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này thay thủ tướng đến 11 lần, kinh tế suy sút và bạo lực tiếp diễn giữa các nhóm cánh tả và cánh hữu. Hàng ngàn người thiệt mạng trong thời gian này.
Ngày 12.9.1980, tướng Kenan Evren tiến hành đảo chính, ban bố thiết quân luật và giải tán chính phủ. Hội đồng an ninh quốc gia nắm quyền, bãi bỏ hiến pháp, thành lập hiến pháp lâm thời, trao quyền lực không giới hạn cho các tướng quân đội. Ông Evren làm Tổng thống, sĩ quan hải quân Bulend Ulusu làm Thủ tướng. Đất nước dưới sự điều hành của quân đội tìm lại được sự ổn định phần nào.
Cuộc đảo chính hậu hiện đại năm 1997
Các tướng lĩnh quân đội, lấy lý do là bảo vệ tính truyền thống của nhà nước do Mustafa Kemal Ataturk lập ra, đã đưa ra hàng loạt yêu sách cải cách cho Thủ tướng Necmettin Erbakan.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ bên chiếc xe tăng của lực lượng đảo chính Reuters
Ông Erbakan khi đó buộc phải chấp nhận nhiều yêu cầu trong đó gồm lệnh cấm đội khăn trùm đầu tại các trường đại học. Dưới áp lực của quân đội, giới doanh nghiệp, tư pháp và chính trị gia, ông Erbakan từ chức thủ tướng vào ngày 18.6.1997. Đảng Phúc lợi Hồi giáo cầm quyền mà Tổng thống Erdogan khi đó là thành viên bị tước quyền lực.
Âm mưu đảo chính năm 2007
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc đột kích vào một ngôi nhà ở thành phố Istanbul và phát hiện một kho chất nổ. Hàng trăm người sau đó bị xét xử vì được cho là thuộc tổ chức Ergenekon, âm mưu thực hiện đảo chính lật đổ Thủ tướng khi đó là ông Recep Tayyip Erdogan. Có 275 cảnh sát, nhà báo, luật sư… bị tuyên có tội.
Các bản án bị huỷ vào năm 2016 vì một toà án phán rằng tổ chức Ergenekon được chứng minh không tồn tại. Tổng thống Erdogan cáo buộc các cảnh sát và công tố viên thuộc phong trào tôn giáo của giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện sống lưu vong ở Mỹ, đã lập ra âm mưu này.
Âm mưu đảo chính năm 2003 được tiết lộ vào năm 2010
Năm 2010, một tờ báo tiết lộ một âm mưu đảo chính gọi là Sledgehammer được vạch ra từ năm 2003 nhằm gây bất ổn xã hội và lật đổ đảng AK cầm quyền của thủ tướng Erdogan.
Năm 2012, một toà án phạt tù 300 bị cáo vì âm mưu này. Hai năm sau đó, gần như toàn bộ những người này được trả tự do sau khi toà hiến pháp tuyên bố quyền lợi của nhóm này bị xâm phạm. Những người tin theo ông Gulen cũng bị cáo buộc trong vụ án này.
Binh lính tham gia đảo chính đầu hàng cảnh sát, sáng 16.7.2016 Reuters
Cuộc đảo chính năm 2016
Một bộ phận thuộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đưa xe tăng, trực thăng tiến vào 2 thành phố lớn là Istanbul và thủ đô Ankara vào đêm 15.7 nhằm thực hiện đảo chính và sau đó đã thất bại.
The Guardian dẫn tuyên bố của tướng Umit Dundar, quyền Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 190 người thiệt mạng, trong đó có 41 cảnh sát, 2 lính chính phủ, 47 dân thường và 104 người của nhóm đảo chính. Ngoài ra hơn 1.500 người bị bắt.
Tổng thống Erdogan gọi nỗ lực đảo chính này là hành động phản quốc và một lần nữa cáo buộc những tín đồ của kẻ thù của ông, giáo sĩ Fethullah Gulen đã gây ra vụ việc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.