Nobel Hóa học 2014 về tay ba nhà khoa học Đức, Mỹ

08/10/2014 17:00 GMT+7

(TNO) Trước giờ chưa có bằng chứng rõ ràng rằng các nhà khoa học có thể nghiên cứu tế bào sống một cách chi tiết đến cấp độ phân tử nhỏ nhất. 3 nhà khoa học Betzig, Hell và Moerner đã được trao giải Nobel Hóa học 2014 nhờ vượt qua giới hạn đó" Ủy ban Nobel cho hay.

Giải thưởng Nobel Hóa học năm nay được trao cho hai nhà khoa học người Mỹ Eric Betzig (làm việc cho Viện Y dược Howard Hughes), William E. Moerner (thuộc trường Đại học Stanford, Mỹ) và khoa học gia người Đức Stefan W. Hell (Viện Max Planck) với công trình chế tạo ra kính hiển vi huỳnh quang siêu phân giải, Ủy ban Nobel ngày 8.10 công bố, theo Reuters.

Ba nhà khoa học đoạt giải Noble Hóa học 2014 - Ảnh: Reuters 

Ông Eric Betzig sinh năm 1960, nhận bằng Tiến sĩ vào năm 1988 từ Đại học Cornell (Mỹ). William E. Moerner sinh năm 1953, nhận bằng Tiến sĩ từ Đại học Cornell (Mỹ). Còn Tiến sĩ Stefan W. Hell là công dân Đức, sinh năm 1962 tại Romania và lấy bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Heidelberg (Đức) vào năm 1990. Tiến sĩ Stefan W. Hell hiện là Giám đốc Viện Hóa Lý Sinh Max Planck tại Trường Đại học Göt- tingen (Đức), kiêm Trưởng khoa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức, thuộc Trường Đại học Y Heidelberg (Đức).

"Nhờ vào thành tựu của họ, kính hiển vi bây giờ có thể nhìn kỹ vào thế giới nano", Ủy ban Nobel cho biết khi công bố giải Nobel Hóa học trị giá 1,1 triệu USD.

“Bằng kính hiển vi nano, các nhà khoa học đã hình dung ra đường đi của các phân tử đơn lẻ bên trong các tế bào sống, có thể thấy cách các phân tử tạo ra các khớp thần kinh giữa các tế bào thần kinh trong bộ não. Họ có thể lần ra các protein liên quan đến chứng bệnh Parkinson, Alzheimer và Huntington khi chúng kết hợp lại. Đồng thời, có thể theo dõi các protein đơn lẻ trong trứng đã được thụ tinh khi chúng phân thành các phôi”, Ủy ban Nobel giải thích về thành tựu vừa đoạt giải Nobel Hóa học năm 2014.

“Trước giờ vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng rằng các nhà khoa học có thể nghiên các tế bào sống theo một cách chi tiết đến cấp độ phân tử nhỏ nhất. Vào năm 1873, nhà khoa học Mỹ Ernst Abbe đã đặt ra giới hạn vật lý cho độ phân giải tối đa của kính hiển vi truyền thống – đó là không thể vượt quá 0,2 micro mét”, theo Ủy ban Nobel.

“Và 3 nhà khoa học Betzig, Hell và Moerner đã được trao giải Nobel Hóa học 2014 nhờ vượt qua giới hạn trên và đó cũng là nhờ thành tựu của họ, kính hiển vi giờ đã có thể nhìn vào thế giới nano”, Ủy ban Nobel cho hay.

Hóa học là lĩnh vực thứ hai mà Alfred Nobel đề cập đến trong di chúc của mình. Vào năm 1901, giải Nobel Hóa học đầu tiên được trao cho nhà khoa học Jacobus H. van 't Hoff nhờ vào công trình nghiên cứu về tỷ lệ phản ứng, cân bằng hóa học và áp suất thẩm thấu.

Phúc Duy-Hoàng Uy

>> Nobel Hóa học 2013 về tay người Mỹ
>> Nobel Hóa học 2012: Vén màn bí mật tế bào
>> Hai nhà khoa học Mỹ nhận giải Nobel Hóa học 2012
>> Khám phá gây tranh cãi giành giải Nobel Hóa học 2011

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.