Nobel Y học thuộc về người Mỹ

06/10/2009 00:05 GMT+7

Một triển vọng mới đã mở ra đối với y học khi công trình đoạt giải Nobel năm nay sẽ giúp con người chữa được nhiều căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, thậm chí ước mơ bất tử sẽ không còn quá xa vời.

Hội đồng Nobel hôm qua thông báo giải Nobel Y học 2009 đã thuộc về ba nhà khoa học Mỹ là Elizabeth Blackburn (61 tuổi), Carol W.Greider (48 tuổi) và Jack W.Szostak (57 tuổi) với khám phá mới về cơ chế bảo vệ của nhiễm sắc thể.

Đây vốn là một trong những bí ẩn lớn của y học và giải mã bí ẩn này có ý nghĩa to lớn trong việc chống lại một số bệnh nguy hiểm như ung thư và có thể là cả sự lão hóa của con người.

Theo website chính thức của Hội đồng Nobel www.nobelprize.org, bộ ba trên đã tìm ra một enzyme tên là telomerase trong tế bào có tác dụng tạo ra một lá chắn DNA ở đầu mút các nhiễm sắc thể giúp chúng không bị thu ngắn lại trong quá trình phân chia tế bào. Từ lâu, các nhà di truyền học đã khám phá rằng trong quá trình phân bào, các cặp nhiễm sắc thể không thể tự sao chép toàn bộ cấu trúc DNA và chúng sẽ bị thoái hóa dần. Đây chính là nguyên nhân khiến tế bào già đi hoặc gây ra một số bệnh di truyền như thiếu máu. Mặt khác một trong những bí ẩn trước nay chưa được giải đáp là các tế bào ung thư lại không bị ảnh hưởng của chu trình thoái hóa nhiễm sắc thể mà liên tục phát triển và gần như "bất tử". Các nghiên cứu từ thập niên 80 thế kỷ trước của ba nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng lý do nằm ở chỗ telomerase trong tế bào ung thư hoạt động rất mạnh giúp chúng bảo tồn được toàn bộ cấu trúc gien của mình. Hội đồng Nobel cho rằng công trình của của Blackburn, Greider và Szostak sẽ mở ra một hướng mới trong điều trị ung thư bằng cách tập trung tiêu diệt telomerase. Bên cạnh đó, việc tăng cường enzyme này cho cơ thể sẽ giúp chống lại những căn bệnh di truyền hoặc do tổn hại gien gây ra.

Từ trái qua phải: Elizabeth Blackburn, Carol W.Greider và Jack W.Szostak, ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Y học 2009 - Ảnh: AFP 

Từ trái qua phải: Elizabeth Blackburn, Carol W.Greider và Jack W.Szostak, ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Y học 2009 - Ảnh: AFP

Mặc dù các nhà khoa học đã xác định lão hóa là một quá trình phức tạp với nhiều yếu tố khác nhau nhưng công trình về bảo tồn nhiễm sắc thể này cũng giúp con người tìm ra một hướng đi mới trên con đường đạt ước mơ kéo dài tuổi thọ, hoặc thậm chí là "trẻ mãi không già". Trong thông báo chính thức của mình, Hội đồng Nobel tuyên bố công trình đoạt giải năm nay mang lại sự hiểu biết mới về cách thức hoạt động của tế bào, cơ chế bệnh tật và mở ra những triển vọng cho các cách điều trị mới.

Hãng tin AP trích lời bà Blackburn, hiện là giáo sư tại Đại học California, nói: "Thật tuyệt vời khi thấy công sức của mình được công nhận". Giáo sư Blackburn sinh tại vùng Tasmania của Úc; hiện bà vẫn mang đồng thời 2 quốc tịch Mỹ và Úc nên hôm qua Chính phủ Úc đã lên tiếng chúc mừng người phụ nữ Úc đầu tiên đoạt giải Nobel. Nữ giáo sư Greider của Đại học Y danh tiếng John Hopskin phát biểu với AFP rằng bộ ba bắt đầu nghiên cứu của mình xuất phát từ lòng tò mò khoa học thuần túy và khẳng định tò mò chính là một trong những động lực để khoa học phát triển. Trong khi đó, giáo sư Szostak cho biết sẽ ăn mừng thật lớn với chiến thắng này.  

Theo thông lệ, Nobel Y học mở màn cho mùa giải Nobel. Giải Vật lý sẽ được công bố vào hôm nay và tiếp theo sẽ là Hóa học, Văn chương, Hòa bình và cuối cùng là Kinh tế. Mỗi giải thưởng bao gồm một khoản tiền trị giá 10 triệu kronor (khoảng 1,4 triệu USD), một giấy chứng nhận và một thư mời đến tham dự lễ trao giải tại Stockholm (Thụy Điển) và Oslo (Na Uy) vào ngày 10.12, nhằm kỷ niệm ngày qua đời của người sáng lập Alfred Nobel. 

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.