Nóng bỏng an ninh châu Á - Thái Bình Dương

31/05/2009 00:15 GMT+7

Vấn đề vũ khí hạt nhân và tình hình bán đảo Triều Tiên đã làm nóng diễn đàn an ninh vùng châu Á - Thái Bình Dương, có tên là Đối thoại Shangri-La, diễn ra từ 29 đến 31.5 tại Singapore.

Vai trò các cường quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, trong phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể đầu tiên vào sáng 30.5 khẳng định: “Lập trường của Mỹ không thay đổi: giải giáp thực sự và hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu chung, và nước Mỹ không chấp nhận CHDCND là một quốc gia có vũ khí hạt nhân”. Ông Gates tái khẳng định cam kết bảo vệ nước Mỹ và các đồng minh trong khu vực trước nguy cơ hạt nhân đến từ Bình Nhưỡng. Đặc biệt, về nguy cơ CHDCND Triều Tiên chuyển giao công nghệ hạt nhân cho các quốc gia hoặc tổ chức phi quốc gia, ông Gates nói: “Chúng ta sẽ buộc CHDCND Triều Tiên chịu trách nhiệm về mọi hậu quả của một hành động như thế”.

Nhiều đại biểu dự hội nghị lập tức chất vấn ông Gates về những giải pháp cụ thể. Ông Gates cho rằng trước tiên Mỹ và Nga, với tư cách là hai cường quốc hạt nhân hàng đầu của thế giới, sẽ “làm gương” bằng cách giảm nhiều hơn số vũ khí hạt nhân mà họ đang có, và trên nền tảng đó thúc đẩy đối thoại giải giáp trên toàn thế giới.

Lập trường “không chấp nhận CHDCND Triều Tiên là quốc gia có vũ khí hạt nhân” của Mỹ khiến người ta nghi ngờ hiệu quả của việc đối thoại đa phương trong tương lai. Nhưng ông Gates cho rằng đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên vẫn là giải pháp hàng đầu và các quốc gia tham gia, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Nga, Hàn Quốc và Mỹ, cần “suy nghĩ một cách mới mẻ” về phương thức để việc đàm phán đạt hiệu quả. Đặc biệt, Trung Quốc với quan hệ truyền thống lâu đời với CHDCND Triều Tiên, được mong đợi sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này. Trong khi đó, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc - tướng Mã Thảo Tiên nói với hội nghị rằng vai trò lớn nhất trong vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên thuộc về Mỹ.

Nhật Bản cũng làm nóng nghị trường, bởi một mặt nước này được kỳ vọng có thể đóng góp lớn trong việc bảo vệ an ninh khu vực, mặt khác lại là mối lo về một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada nói rằng Nhật Bản sẽ không làm phức tạp thêm tình hình, mà chỉ “trang bị ở mức tối thiểu những thiết bị phòng vệ cần thiết”.

Quan hệ Mỹ - Trung

Khu vực châu Á gần đây trở thành tâm điểm của nhiều vấn đề an ninh: nạn cướp biển, sự trỗi dậy của nhóm ly khai ở nhiều quốc gia, căng thẳng trên biển Đông... Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates lo lắng, có thể trở thành một cuộc khủng hoảng an ninh, làm trầm trọng hơn mọi vấn đề. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc nổi lên là một quốc gia có ảnh hưởng lớn trên cả bình diện kinh tế lẫn chính trị. Ông Gates đã khéo léo không đề cập đến mâu thuẫn Mỹ - Trung trên biển Đông, mà nói rằng Mỹ sẽ duy trì mối bang giao chặt chẽ với Trung Quốc bằng tất cả các cơ hội có thể, thông qua tất cả các kênh đối thoại và tiếp cận. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị mối quan hệ Mỹ - Trung minh bạch, và minh bạch với toàn thế giới về những mục tiêu chiến lược, những ý đồ chính trị cũng như việc phát triển lực lượng vũ trang của mình.

Một đại biểu hỏi ông Gates rằng ông mong muốn mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ như thế nào trong thời gian 10 năm nữa. Ông Gates cười và nói: “Kịch bản lý tưởng nhất là hai bên làm việc cùng nhau vì một mục tiêu chung”. Hiện dư luận mong đợi tiếng nói đồng thuận Mỹ - Trung trong vấn đề vũ khí hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên và trong việc đảm bảo an ninh khu vực.

Thục Minh
(VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.