Nữ bộ trưởng Pháp ứng cử Tổng giám đốc IMF

25/05/2011 23:45 GMT+7

Hôm qua, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde đã chính thức tuyên bố tham gia tranh cử vị trí Tổng giám đốc IMF.

Dù đang bị điều tra về vai trò trong vụ ông Bernard Tapie bán Tập đoàn sản xuất dụng cụ thể thao Adidas năm 1993 nhưng bà Lagarde vẫn là ứng cử viên sáng giá nhất để kế nhiệm ông Dominique Strauss-Kahn. Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Pháp đã nhận được sự ủng hộ của Ý, Đức, Áo, Luxembourg và Anh, theo Le Figaro.

Sinh năm 1956 trong một gia đình có bố mẹ làm nghề giáo tại Paris, bà Lagarde tốt nghiệp các ngành Luật xã hội, tiếng Anh, Khoa học chính trị tại những trường danh tiếng của Pháp và Mỹ. Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận hành nghề luật sư năm 1981, bà làm việc cho chi nhánh Paris của Văn phòng luật sư Baker & McKenzie. Những năm sau đó, bà đã kinh qua hầu hết những chức vụ cao cấp nhất của văn phòng luật hàng đầu thế giới này: Quản lý chi nhánh Paris, Chủ tịch Ủy ban Điều hành trung ương (tại Chicago) và Chủ tịch Ủy ban Chiến lược trung ương. Dưới sự lãnh đạo của bà Lagarde, Baker & McKenzie đã tăng doanh số lên 50%, đạt 1,2 tỉ USD năm 2004.

 
Bộ trưởng Christine Lagarde (trái) là ứng cử viên sáng giá nhất để thay thế ông Dominique Strauss-Kahn - Ảnh: Reuters 

Năm 2005, bà trở về Paris và bắt đầu tham gia nội các của Thủ tướng Dominique de Villepin với vị trí thứ trưởng ngoại thương. Tháng 6.2007, Christine Lagarde trở thành nữ bộ trưởng kinh tế đầu tiên của Pháp và giữ chức vụ này cho đến hiện nay. Tờ Financial Times bình chọn bà là bộ trưởng kinh tế, tài chính số 1 châu u năm 2009.

Với thời gian làm việc lâu năm tại trụ sở chính ở Chicago của Baker & McKenzie, bà Lagarde có mối quan hệ khá tốt đẹp với các chính trị gia, doanh nhân của Mỹ, trong đó có một số cố vấn của Tổng thống Barack Obama. Điều này giúp bà nhận được sự ủng hộ của chính quyền Washington, một lợi thế đáng kể để tiến đến chức Tổng giám đốc IMF. 

Cuộc đua đã ngã ngũ?

Từ đây đến cuối tháng 6, Hội đồng quản trị IMF sẽ bỏ phiếu chọn tổng giám đốc mới. Theo Le Figaro, bà Lagarde gần như nắm chắc phần phiếu của EU (35,6%). Nếu tính thêm sự ủng hộ của Mỹ (16,8%) và Nhật (6,25%) thì vị trí kế nhiệm ông Strauss-Kahn khó lọt khỏi tay Bộ trưởng Kinh tế Pháp. Như vậy, việc Ấn Độ, Brazil, Mexico, Nga, Trung Quốc đồng loạt lên tiếng phản đối tiền lệ “Chủ tịch Ngân hàng Thế giới là người Mỹ, Tổng giám đốc IMF đến từ châu u” sẽ không đạt được hiệu quả.

Có nhiều yếu tố khiến chức Tổng giám đốc IMF thu hút được sự quan tâm của nhiều nước. Giám đốc Hợp tác kỹ thuật của WTO Hakim Ben Hammouda phân tích trên tờ Marianne 2: “Chính cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã làm tăng tầm ảnh hưởng của IMF và đưa tổ chức này giữ vai trò trọng yếu trong việc giải cứu các hệ thống tài chính có nguy cơ sụp đổ trên thế giới”. Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, kinh tế “trầm” đã giúp vai trò IMF “thăng” một cách đáng kể. Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại London năm 2009 đã đồng ý tăng số vốn cho vay của IMF lên 750 tỉ USD, gấp 3 lần so với trước đó. Điều kiện này đã giúp ông Dominique Strauss-Kahn mạnh dạn “bật đèn xanh” cho kế hoạch vực dậy kinh tế Hy Lạp.

Ngoài ra, sự hoạt động tích cực và hiệu quả của ông Strauss-Kahn trước khi từ chức cũng giúp củng cố quyền lực và tầm ảnh hưởng của Tổng giám đốc IMF. Châu u không muốn vị trí này nằm ngoài “người nhà”, trong khi các nền kinh tế mới nổi cũng không muốn vuột mất cơ hội điều hành “trạm cứu hỏa của các nền tài chính” thế giới. Chính vì vậy, EU một mực cho rằng cần phải có một tổng giám đốc gốc châu u để giải quyết các vấn đề Hy Lạp, Ireland… Đáp lại, các nước khác dẫn chứng khủng hoảng kinh tế châu Á vào thập niên 1990 hay khủng hoảng nợ ở thập niên 1980 tại châu Phi vẫn không giúp các châu lục này tiếp cận vị trí lãnh đạo IMF.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.