ODA Nhật trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ngọc Mai
Ngọc Mai
24/02/2018 07:49 GMT+7

Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” sẽ được Nhật Bản triển khai mạnh mẽ thông qua chương trình viện trợ cho các nước đang phát triển tại khu vực.

Nhật Bản hôm qua công bố Sách trắng thường niên về Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) năm 2017, trong đó nêu rõ kế hoạch tiếp tục hỗ trợ các nước trong khu vực trên nhiều lĩnh vực. Theo tờ Nikkei Asia Review dẫn Sách trắng, Nhật Bản sẽ phối hợp việc hỗ trợ phát triển của nước này với các gói viện trợ nhân đạo và nỗ lực ngăn chặn xung đột tại khu vực.
Đáng chú ý, Sách trắng lần này nhấn mạnh Nhật Bản sẽ dùng ODA để thúc đẩy chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” trong thời gian tới. Theo tài liệu do Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố, nước này sẽ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong việc bảo đảm an toàn hàng hải và duy trì luật pháp trên biển nhằm thắt chặt tính thượng tôn pháp luật trong khu vực. Cụ thể, Nhật Bản sẽ cung cấp cho các nước Đông Nam Á những tàu tuần tra và trang thiết bị liên quan để giúp họ tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Trước đó, ông Kentaro Sonoura, cố vấn đặc biệt về an ninh quốc gia của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với Thanh Niên rằng Tokyo rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông cho biết tổ chuyên trách hỗ trợ nâng cao năng lực của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản hồi tháng 11.2017 đã lần đầu tiên được cử tới Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia để hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển các nước này nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, cũng như tìm kiếm cứu nạn trên biển. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng cung cấp tàu tuần tra cho các nước ven Biển Đông, bao gồm dự án đóng mới 6 tàu cho Việt Nam.
Với việc duy trì vị trí thứ 4 thế giới và đứng đầu châu Á về cung cấp ODA, Nhật Bản có nhiều cơ hội để tiếp cận các nước trong khu vực rộng lớn trải dài từ Đông Á đến châu Phi thông qua các dự án hạ tầng và chương trình viện trợ. Theo tờ Nikkei Asia Review, đây là một trong những kế hoạch được Nhật Bản chú trọng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường hiện diện tại biển Hoa Đông, Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Được Thủ tướng Shinzo Abe giới thiệu lần đầu vào năm 2016 và Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định tại Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng tháng 11.2017, “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” là một trong những khái niệm chiến lược khu vực quan trọng nhất hiện nay đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các bước để hiện thực hóa chiến lược này vẫn còn khá mơ hồ. Mới đây, ông Jun Nishida, Vụ phó Vụ Chính sách khu vực thuộc Cục Châu Á và châu Đại dương Nhật Bản, cho biết nước này sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch phối hợp với các đối tác khu vực trong năm 2018, với ASEAN là trung tâm.
Phía Nhật Bản xác định chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” có 3 trụ cột và biện pháp chính gồm: phổ biến và định hình các giá trị cơ bản như thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải; tăng cường tính kết nối thông qua việc hoàn thiện “cơ sở hạ tầng chất lượng cao” như cảng biển, đường bộ và hoàn thiện môi trường kinh doanh để đạt sự thịnh vượng kinh tế; duy trì hòa bình và ổn định thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và phòng chống thảm họa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.