Ông Kim Jong-un có thể không đến Trung Quốc trong chuyến công du đầu tiên

11/02/2015 17:31 GMT+7

(TNO) Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có thể không đến Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, nếu những nỗ lực ngoại giao của các bên liên quan nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân không đạt được những tiến triển.

(TNO) Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có thể không đến Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, nếu những nỗ lực ngoại giao của các bên liên quan nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân không đạt được những bước tiến.

Ông Kim Jong-un “chỉ thăm Trung Quốc nếu có tiến triển về hạt nhân”Khả năng ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc gắn liền với nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên - Ảnh: AFP
Đó là nhận định do Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc Kwon Young-se đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Yonhap ngày 11.2.
Nhà ngoại giao Hàn Quốc cũng thận trọng khi nói về khả năng ông Kim thăm Nga vào tháng 5, khẳng định “còn quá sớm” để kết luận rằng chuyến công du sẽ diễn ra.
Ông Kim lên nắm quyền vào năm 2011 sau khi cha ông là lãnh đạo Kim Jong-il qua đời vì bệnh. Trung Quốc là đồng minh chính của Triều Tiên nhưng quan hệ chính trị giữa hai nước đang căng thẳng, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 vào đầu năm 2013.
Nga đã thông báo ông Kim sẽ nằm trong số các yếu nhân tham dự lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Đức trong Thế chiến II vào ngày 9.5 tới.
“Tôi tin một chuyến thăm đến Trung Quốc của ông Kim Jong-un có liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa”, ông Kwon nói trong cuộc phỏng vấn.
“Từ quan điểm của Trung Quốc, rõ ràng sẽ rất khó tiến hành một cuộc trao đổi ở cấp cao nhất với Triều Tiên vào lúc Bình Nhưỡng không cho thấy tiến triển trong vấn đề hạt nhân”, Đại sứ Hàn Quốc phát biểu thêm.
Khi được hỏi về khả năng ông Kim thăm Nga vào tháng 5, ông Kwon đã trả lời: “Không ai có thể nói chắc về điều đó”.
Giới phân tích cho rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân do chương trình này sẽ góp phần duy trì chế độ và giúp mang lại những lợi ích chính trị và kinh tế từ cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh Trung Quốc tỏ ra lãnh đạm với chính sách hạt nhân của Triều Tiên, Bình Nhưỡng đang tìm cách thúc đẩy quan hệ ngoại giao và kinh tế với Nga.
Tổng thống Vladimir Putin, người đang phải chịu nhiều sức ép liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng đang mong muốn tăng cường quan hệ với Triều Tiên trong một nỗ lực được cho là nhằm đối phó với chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á.
Ông Kwon nói Trung Quốc “cam kết chắc chắn” với việc đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
“Liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc đang giữ liên lạc chặt chẽ với nhau”, Đại sứ Hàn Quốc tuyên bố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.